Hành hương về miền “Chính Tôi”

28/01/2017 - 17:00

PNO - Cứ thế, người trẻ túa ra, từ cái dòng chủ lưu tư tưởng cũ kỹ. Họ đi nhiều hướng. Đi đâu, đừng hỏi, họ chưa cần biết.

Ở một quốc gia phát triển nào đó, “khởi nghiệp” sẽ là tạo ra một mô hình kinh doanh hoặc mô hình hoạt động xã hội mới. Nhưng ở một hành tinh dị biệt nơi mà nhiều hệ giá trị đã khép kín rất lâu; thì “khởi nghiệp” có thể chỉ là bắt đầu một cách nghĩ khác, nghĩ cho chính mình.

Chuyện của Mew

Lễ trao giải âm nhạc Cống hiến 2016, hạng mục “Music Video của năm”, một nhiếp ảnh gia gạo cội và một hoa hậu bước lên xướng tên người đoạt giải. Đó là ê kíp của MV Thật bất ngờ. Video đó đã làm mưa làm gió trên mạng xã hội trong suốt năm, nên gần như chẳng có gì bất ngờ.

Bất ngờ duy nhất trong khung cảnh ấy, chỉ dành cho nhà nhiếp ảnh gia. Ông vấp khi đọc tên nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc. Ca sĩ: Trúc Nhân; đạo diễn: Nhu Đặng; còn người sáng tác, thì gần như không thể nghe được người xướng giải đã đọc thành gì. “Niu-me-zin” hay gì đó.

Mew Amazing bước lên sân khấu. Cậu xin phép được tự gọi là “Miu” cho thân mật, rồi bắt đầu phần chia sẻ. Đó là một đêm đặc biệt trong đời Mew, vì chỉ 20 phút sau đó, cậu lại bước lên sân khấu, nhận giải cho hạng mục “Ca khúc của năm”. Tổng cộng, đêm ấy, Mew Amazing có ba giải. Cậu hiển nhiên ẵm nốt “Nhạc sĩ của năm”.

Và người ta có quyền tự hỏi rằng “Nhạc sĩ của năm” có buồn khi không được đọc đúng tên trong một đêm quan trọng như thế?

Mew không buồn. Cậu cảm thấy vui trong những lúc như thế, khi “mấy bác” chật vật đọc đúng cái tên lai căng của mình. Trong bụng, Mew tự sung sướng rằng, bản thân cái tên mình, đã là một biểu hiện thách thức các giá trị cũ.

Mew là một học sinh dốt. Đỗ đại học, vì nghe nhạc nhiều quá nên có điểm tiếng Anh, còn toán thì vẽ được một cái đồ thị, 2 điểm.

Mew là một ca sĩ trẻ thất bại. Đi thi The Voice không để lại dấu ấn gì, khán giả cũng không nhớ được tên. Thời sinh viên lập ban nhạc đi hát quán cà phê, đêm nào cao thì được 100 ngàn.

Một trăm ngàn mỗi tuần không đủ tiền đổ xăng đi tập hát.  Nhưng Mew hồi ấy mơ về một ngày sẽ viết nhạc kịch cho Việt Nam, theo kiểu Broadway. “Em thích các nhân vật phản diện, nên em muốn viết vở Tấm Cám”. Vở Tấm Cám trong mơ ước của Mew là một vở kịch mà trong đó mẹ con Cám sẽ sống trăm năm, người xấu sẽ được tôn vinh, thần dân yêu mến; cảnh cuối sẽ là lúc Tấm ngồi khóc bên khung cửi cháy còn mẹ con Cám hát xung quanh. Cậu thích sự cay nghiệt. “Đỉnh cao của sống tốt phải là giễu cợt sống ác, chứ không phải là tuyên truyền sống tốt” - cậu nghĩ thế.

Sau đêm Cống hiến 2016, Mew ôm ba con chim vàng - biểu tượng của ban tổ chức về phòng, rồi sáng hôm sau, nhìn thấy nó, đã nghĩ rằng tại sao nó không phải là giải thưởng âm nhạc châu Á?

Mew đã viết được vài mẩu nhạc kịch. Chính là ca khúc Thật bất ngờ, nơi giọng văn tự sự pha đối thoại của cậu tạo ra được một bức tranh động, lên án sự phù phiếm trong xã hội thông tin ngày nay. Hay là những bài chưa nổi tiếng, như Cô bé quàng khăn đỏ, diễn tả lại cảnh lọc lừa trong câu chuyện cổ tích nọ. Nhưng chỉ là nhiều mẩu.

Vài mẩu ấy đã đủ để Mew cảm thấy mình bị cô lập trong giới đồng nghiệp. “Người ta nói em lấy scandal của người khác ra để câu khách, không hiểu đấy là ý tốt”. Sự châm biếm không được tính là một loại thiện chí. “Nhạc sĩ của năm” vẫn mang một thái độ ủ ê kinh viện của những chàng trai tuổi 20.

Nếu bây giờ trò chuyện với Mew, thì niềm tự hào nổi bật hiện lên tất nhiên sẽ không phải là với tư cách ca sĩ, nhạc sĩ hay người trẻ tài năng nói chung gì. “Em là bê đê nói chuyện có duyên”, nên hồi đó hát quán cà phê khán giả mới đến, học dốt mà bạn bè vẫn yêu. Ngay cả cái cách nói về mình cũng đầy sự diễu nhại.

Nhưng bây giờ, nếu hỏi mơ ước của Mew là gì, thì nó đã chuyển thành “Mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới”.

Hanh huong ve  mien “Chinh Toi”

Miền Chính Tôi

Trong hơn nửa thế kỷ, vì những khắc nghiệt của lịch sử, những người trẻ phải tạm gác lại mong muốn sống rực rỡ của họ để tập trung cho những mục tiêu cấp bách của đất nước. Những người trẻ ngày ấy, tự ý thức rằng họ phải tạo ra một “sự nghiệp” chung. Nền giáo dục cũng đã được thiết kế để tạo ra những con người có cùng nhịp đập trái tim như thế.

Nhưng 30 năm sau Đổi Mới, hơn 20 năm sau mở cửa, bây giờ cuộc sống cho phép, và khuyến khích những người trẻ vị kỷ hơn - tức là yêu và sống cho chính cảm xúc của mình, cho những mục tiêu của mình. Tạo ra những cái “nghiệp” của riêng mình. Những mục tiêu ấy, thậm chí họ không thể giải thích với người xung quanh.

Ngày càng có nhiều người trẻ, mà khi nói chuyện với họ, bạn sẽ không phân định được rằng đây là một người sống có lý tưởng hay là một kẻ ham chơi. Khó, bởi vì họ không tuân theo những hệ giá trị cũ trong xã hội nữa, mà họ cũng chưa tạo ra giá trị mới. Họ chỉ biết rằng mình phải loay hoay “khởi” ra cái “nghiệp” riêng.

Khi ông nông dân Đoàn Văn Vươn trở về đầm Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng sau quyết định ân xá tháng 8/2015, có một chàng thanh niên tìm đến ông. Đầm tôm mênh mông ngày ấy, sau mấy năm ông Vươn ở tù, không người làm, đã hoang hóa. Sẽ cần rất nhiều vốn liếng để nuôi tôm trở lại. Chàng thanh niên kia đề nghị ông không nuôi tôm nữa, mà nuôi vịt: đó là giống vịt biển nước mặn, còn ít người biết đến, nhưng rất phù hợp với điều kiện của ông Vươn kia ấy. Anh hỗ trợ ông 100 con vịt đầu tiên.

Bây giờ thì thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” đã trở nên nổi tiếng toàn quốc. Đàn vịt đã phát triển hàng nghìn con, trở thành biểu tượng cho một người đàn ông vượt qua những bất trắc cuộc đời để làm lại.

Chàng thanh niên kia vẫn cặm cụi hỗ trợ ông Vươn nuôi vịt, phát triển đàn và xây dựng chuỗi cung ứng. Thỉnh thoảng, anh ta xuất hiện mờ nhạt trên báo chí, được gọi là “cánh tay phải của Đoàn Văn Vươn”.

Đấy là Hồng. Nếu nói chuyện với anh một vài lần, người ta sẽ không thể tìm được lý tưởng sống của chàng trai ngoài 30 tuổi này. Cái gì anh cũng làm một tý. Mấy ngày lại thấy “thương nhân” này nghĩ ra một cái gì mới. Hôm nay là chung tay với Đoàn Văn Vươn xây dựng đàn vịt biển. Hôm sau đã lại thấy loay hoay xây dựng thương hiệu muối truyền thống cho diêm dân vùng Nam Định.

Ngày mai, lại tạo ra sản phẩm mì gạo gấc hay mì gạo chùm ngây. Lần gặp gần nhất, lại thấy anh đang loay hoay với các sản phẩm chế biến từ hoa tam giác mạch, loài hoa đang làm mưa làm gió các vùng du lịch Tây Bắc. Không cái gì có thể coi là “thành công” nếu xét đến khía cạnh thị trường. Thậm chí sẽ có những thương nhân khó tính tin rằng đây là một sự hời hợt. Trông anh Hồng giống một người đang “gieo sạ” các ý tưởng sản xuất nông sản, không chuyên chú canh tác thứ gì.

Anh Hồng và ông Vươn, đã quyết định rằng, mình sẽ không mở rộng đàn vịt nữa. Vì không muốn phá vỡ hệ sinh thái của khu đầm. Dù cho thương hiệu ấy đang vô cùng nổi tiếng. Vịt nuôi không đủ bán.

Nhiều người như thế. Nếu hỏi họ rằng tại sao không làm đến nơi đến chốn một thứ gì đó, họ sẽ trả lời rằng như thế không vui. Họ muốn vui trước. Ở Hà Nội hay Sài Gòn bây giờ, bạn gặp những kẻ lãng du mấy ngày lại lập một công ty mới, và ngay khi công ty ấy có tín hiệu trở thành một “thứ gì đó” kiếm ra nhiều tiền, họ bỏ cuộc, bán lại hoặc đóng cửa lập ra một thứ khác. Họ tìm niềm vui.

Những thanh niên ấy, cứ lang thang trong phố như đang trong cuộc hành hương đi tìm bản ngã của mình.

Đó không phải là “khởi nghiệp” theo nghĩa hẹp người ta đang nói đến bây giờ. Cũng là mồ hôi, cũng là trăn trở để tạo ra những giá trị mới. Nhưng không phải là để làm giàu, không phải để nổi tiếng, không phải để hướng đến các giá trị đã được xác lập. Để làm gì, họ không biết: họ đang đi tìm. Họ muốn khởi cái nghiệp của chính mình.

Khi bàn đến “khởi nghiệp”, người ta hiểu rằng mình đang nói chủ yếu về những người trẻ, về những thứ chưa từng có. Nhưng rồi chúng cũng lại dễ dàng bị bó vào những giá trị quen thuộc: tiền bạc, công ăn việc làm, thu ngoại tệ, đóng góp vào GDP của cả nước, vị thế của Việt Nam... Cần lắm những người đi tìm được chính bản thân họ. Giữa Mew Amazing và anh Hồng, giữa một nghệ sĩ trẻ tuổi và một thương nhân đau đáu vì nền nông sản sạch có vẻ chẳng liên quan. Nhưng họ giống nhau, ở cuộc hành hương tưởng rất vô định, không theo những vạch kẻ đường đã mờ sơn.

Cứ thế, người trẻ túa ra, từ cái dòng chủ lưu tư tưởng cũ kỹ. Họ đi nhiều hướng. Đi đâu, đừng hỏi, họ chưa cần biết. 

Nhà báo Đức Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI