Hạnh Dung 'giải mật' #metoo

18/05/2018 - 11:00

PNO - Điều mà phong trào "#metoo" chân chính hướng tới, chính là xóa bỏ việc "lạm dụng như một sự mặc định" trong xã hội.

Mới đây, khi những vấn đề về lạm dụng tình dục được dư luận quan tâm, Hạnh Dung nhận được chia sẻ của nhiều bạn gái trẻ đang băn khoăn về những giới hạn của vấn nạn này. Có bạn kể, bạn tên Châm, có một bạn trai cùng lớp tên Dương. Một lần, khi hai bạn cùng bước đến một cuộc hẹn thì được một người bạn khác vui miệng gọi réo rắt: "Chào hai em Chương Dâm". Cả nhóm cười ồ. Từ "khoảnh khắc lịch sử" đó, cái tên "Chương Dâm" trở thành tên chung của cả hai bạn để cả nhóm thỉnh thoảng lại "gọi thân mật".

Hanh Dung 'giai mat' #metoo

Những biệt danh kiểu vậy không hề mới lạ. Ngay từ thuở còn học phổ thông, Hạnh Dung đã có rất nhiều bạn bè được "đặt biệt danh" kiểu vậy. Đến nỗi, sau những trận cười ngất vì những cái tên "vậy mà cũng nghĩ ra", các bạn còn lập nguyên một "danh sách đen" những cái tên "nhất định không được đặt cho con" vì tính "dễ bị tình dục hóa" của nó.

Rồi sau này, Hạnh Dung còn thấy trên mạng xã hội lan truyền một danh sách dài gấp nhiều lần về những cái tên "cấm kỵ" vì dễ bị "đặt biệt danh". Trong mọi công sở, trường lớp, nhóm bạn, những cái tên được "tình dục hóa" bằng cách nói lái, hoặc thêm vào một chữ rồi nói lái cho… thêm phần nhục tính ngày càng phổ biến. Tất cả chỉ để đùa vui. Và hầu như "nạn nhân" nếu đã trót có một cái tên "nhạy cảm" thì đều nhanh chóng hiểu cái "vô thưởng vô phạt" của trò đùa mà vui vẻ chấp nhận. 

Không chỉ chuyện đặt biệt danh, xu hướng "tình dục hóa" chi phối hầu hết những cách thức đùa giỡn, thậm chí cả cách "lý giải" và "giải mã" lời đùa. Nếu đủ thân thiết và hợp cảnh, chuyện một người nữ vui vẻ khen một người nam là "khỏe", hay "vạm vỡ" đều có thể gây cười, bởi nó được hiểu theo nghĩa "nhạy cảm".

Trên mạng xã hội, mỗi ngày có hàng chục tấm hình xinh đẹp và gợi cảm được nữ chủ nhân đăng lên, rồi kèm theo đó hằng hà lời "khen tặng”, từ kín đáo đến "bạo liệt": "em đẹp quá!", "em ơi cho anh xin số phôn!", "thật gợi cảm!", "ngon quá!", "hàng thật hả em?", "xôi hay lá vậy cưng?", "anh chịu không nổi em ơi!"... Ai cũng xem đó như lời nói vui. Hầu hết những "khen tặng" đều đến từ những người thân thiết và được chủ nhân vui vẻ tương tác. 

Có lẽ, đa phần những người trưởng thành đều từng chứng kiến hoặc trải qua những tình huống đùa giỡn có xu hướng liên quan đến tình dục hoặc những đặc điểm trên thân thể phụ nữ. Và, càng thân thiết thì càng suồng sã. Đến nỗi, một phụ nữ lơ ngơ hay nổi giận khi "bị nói đùa" kiểu vậy dễ bị xem là "dở hơi", "trẻ con". Dần dà, không ai còn phản ứng với những trò đùa kiểu vậy. Có một luật bất thành văn khiến mọi thành viên nếu trở thành tâm điểm của trò đùa cũng tự học cách hiểu và vui vẻ hòa nhập.

Hanh Dung 'giai mat' #metoo
 

Thế nhưng, chuyện đùa giỡn chợt không còn vui nữa khi giới hạn đùa giỡn của mỗi người là khác nhau. Có người thậm chí cảm thấy bị xúc phạm khi trở thành tâm điểm. Nhưng quán tính cộng đồng lúc nào cũng áp đảo, mọi phản ứng đều vô vọng. Rồi thái độ chấp nhận của "tâm điểm trò đùa" dần hình thành một sự im lặng, chịu đựng, khi những trò vui nhuốm màu nhục tính dần "biến chứng" với những biểu hiện mạnh hơn. 

Nhưng, với cái quán tính hiện tại của phong trào này, Hạnh Dung e là sẽ có ngày những-người-bạn-bị-đặt-biệt-danh bất ngờ liên kết và kêu gọi cộng đồng truy tội những đồng nghiệp hồn nhiên (và tội lỗi). Trong sự chênh lệch nhận thức đó, với sự lên tiếng theo cách đó, sẽ chỉ tạo ra những bất đồng, thù hận và đổ vỡ. Sức mạnh của số đông khi đó sẽ chỉ tạo thêm những hố sâu thăm thẳm cách ngăn giữa hai phía vốn đã bất đồng và đẩy những số phận vào bi kịch trước khi họ kịp nhận thức được lỗi lầm của mình.

"Tâm điểm" trở thành nạn nhân. Những đùa giỡn, gợi ý thông thường trở thành những biểu hiện "gạ tình", "lạm dụng", "quấy rối". Nhưng trong diễn tiến đó, quán tính cộng đồng lại cản trở những thái độ mới, mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ phía nạn nhân. Và im lặng bao trùm.

Đó là khi thế giới cần đến các phong trào chống lạm dụng tình dục, mà "#metoo" là một đại diện. Năm 2006, hashtag "#metoo" (có nghĩa là "tôi cũng vậy") lần đầu xuất hiện trên trang cá nhân của Tarana Burke - một nhà hoạt động xã hội, nhằm gây sức mạnh thông qua sự đồng cảm giữa những nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục.

Nhưng phong trào này chỉ thực sự lan tỏa mạnh mẽ vào cuối năm 2017, khi nữ diễn viên Alyssa Milano gắn hashtag này trên trang cá nhân, tố một nam đạo diễn lạm dụng mình và kêu gọi phụ nữ toàn thế giới cùng lên tiếng để xã hội nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này. Hàng triệu phụ nữ trên thế giới lần lượt thực hiện, gửi thông điệp "Tôi cũng từng bị lạm dụng tình dục" theo những hashtag "#metoo" ngập tràn các mạng xã hội. Chưa bao giờ thế giới chứng kiến một cuộc lên tiếng, phơi bày đồng loạt trên diện rộng như thế.

Đến lượt Việt Nam, sau những sóng gió showbiz vừa qua, những cô gái Phạm Lịch, Nga My, M.P. được ví như những đại diện "phá vỡ sự im lặng" (silence breakers), tiên phong cho phong trào "#metoo" trong nước sau vụ tố cáo nam ca sĩ Phạm Anh Khoa lạm dụng tình dục. "#Metoo" xuất hiện trong một sự kiện gây chú ý bậc nhất và trở thành một sức mạnh chuyển hướng câu chuyện. Phạm Anh Khoa trước đó được cho là đã lý giải hành vi của mình như một quán tính cộng đồng, khi anh nói "ở showbiz, việc vỗ mông nhau cũng là cách chào hỏi".

Dù theo Hạnh Dung thấy, câu nói ấy chỉ phát ra trong một chuỗi diễn tả của Khoa chứ không hẳn là một kiểu "bao biện". Nhưng sau đó, anh phải rút lại lời nói và công khai nhận lỗi với cả người tố giác mình lẫn cộng đồng showbiz. Dư luận thở phào như đã bảo vệ được… lẽ phải. Phong trào "#metoo" như thừa thắng xông lên với rất nhiều cổ vũ của truyền thông và người nổi tiếng.

Trong tiến trình hóa giải của sự việc trên, "thắng lợi" lớn nhất của "#metoo" và những người nhiệt liệt cổ vũ nó chính là sự "cá nhân hóa" lỗi lầm của Phạm Anh Khoa và công khai "lỗi lầm cá nhân" ấy trước công luận. Phạm Anh Khoa phải rút lại phát ngôn của chính mình về hiện thực showbiz và một mình nhận lỗi. Có thể Khoa đã thật sự nói sai về showbiz. 

Hanh Dung 'giai mat' #metoo
 

Nhưng bất kể showbiz có "chào nhau bằng cách vỗ mông" hay không, thì chính cái tinh thần "cá nhân hóa" những biểu hiện lạm dụng tình dục có vẻ đã đi ngược tinh thần của "#metoo" - một phong trào đánh thức nhận thức chung của cộng đồng về quấy rối tình dục. Có vẻ như, "#metoo" Việt Nam đã mãi sa vào việc "cáo buộc" (vốn của pháp luật và quan tòa) mà quên mất mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng của mình. Hay nói cách khác, một phong trào cải thiện nhận thức đã trở thành phương tiện, công cụ giải quyết một trường hợp cụ thể.

Và người ta khó tưởng tượng được, khi một phong trào thuần túy kêu gọi sức mạnh số đông (rất phù hợp với mục đích nâng cao nhận thức) trở thành một phương tiện phân định đúng/sai, phải/trái của một vụ việc cụ thể - nó có thể gây nên những thảm họa nào. Với riêng vụ việc của nam ca sĩ Phạm Anh Khoa, khi có đến 3 phụ nữ lần lượt lên tiếng rằng "tôi cũng vậy"; dư luận chợt đồng loạt rời bỏ vị trí "phân vân", đứng hẳn về phía người tố cáo. Là người đầu tiên lên tiếng, Phạm Lịch nêu rất cụ thể những hành vi của Khoa.

Dư luận nửa tin nửa ngờ. Lúc này, không tính đến những người cáo buộc nữ vũ công bịa đặt thì vẫn có rất nhiều người không cho những hành vi được nêu ra là "quấy rối tình dục". Khi người tiếp theo lên tiếng, cán cân dư luận nghiêng hẳn về phía người tố cáo. Rồi khi "#metoo" vang lên ở người thứ ba - hầu như không ai đứng về phía Khoa nữa. Dù tính thuyết phục và mức độ nghiêm trọng của từng hành vi riêng lẻ cũng như nhau. Nó vẫn là tiếng nói từ một phía. Và từng hành vi riêng lẻ cũng cùng một mức độ. Chỉ khác, nó đã trở thành tiếng nói của số đông.

Nhưng, "số đông" hoàn toàn không phải là phương tiện để kết tội. Không một điều tra viên nào kết luận điều tra dựa vào căn cứ là "có nhiều nhân chứng cùng khai như vậy". Dĩ nhiên, phong trào "#metoo" hay những người đang đại diện cho nó không phải là điều tra viên hay quan tòa. Nhưng trong lúc mải "đổi vai", "#metoo Việt Nam" đã rời bỏ vị trí của một công cụ giúp thay đổi nhận thức, thậm chí, dường như "#metoo" đã không còn là "#metoo", khi nó một mực gạt bỏ những "tín hiệu” của quán tính cộng đồng để truy đuổi một cá nhân.

Nó đã thiếu một sự kiên nhẫn cần thiết, để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra khỏi sự "đền tội" của một con người cụ thể. Trong khi đó, với những hành vi nằm ngoài quy định của pháp luật quốc gia, việc "nhận lỗi hay không nhận lỗi" cũng phụ thuộc vào lối sống và "giới hạn vui đùa" (và nhiều giới hạn khác) của mỗi cá nhân. Và điều cuối cùng mà một phong trào thay đổi nhận thức cần hướng đến không phải là sự trả giá của người bị cho là thủ phạm (hay thậm chí là thủ phạm) - mà chính là sự khắc phục những "lỗi hệ thống", những khiếm khuyết cộng đồng. Mà biểu hiện cụ thể ở đây, chính là những tiếng nói đã từng vang lên, cho rằng "hành vi đó chưa phải là quấy rối".

Điều mà phong trào "#metoo" chân chính hướng tới, chính là xóa bỏ việc "lạm dụng như một sự mặc định" trong xã hội. Lúc đó, bạn Châm và Dương có thể phản đối cách gọi tên của các bạn. Một chàng trai được tự do phản đối một bạn nữ có xu hướng đùa giỡn hay đồn đoán "khả năng tình dục" của mình. Còn phía những người mắc "tội lỗi hồn nhiên" nọ, thì phải đủ nhận thức để hiểu về "vi phạm" của mình. Tình thế đó phải được dựng xây trên sự tự chủ và hiểu biết của từng con người độc lập, chứ không phải một đại diện yếu thế và một cộng đồng sẵn sàng bằng mọi giá bênh vực kẻ yếu. 

Dĩ nhiên, "#metoo" cũng là một cái tên vô tri. Những sai lầm của nó, là ở những người đã dẫn dắt nó. 

Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI