Hành động để có kết quả kịp thời

19/07/2022 - 06:15

PNO - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để phát triển kinh tế vùng thì các địa phương phải vì lợi ích của vùng chứ “không cát cứ, không cục bộ”.

 

Gần 20 năm nay, phần lớn các con đường, cây cầu nối TPHCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh… dự kiến xây nhằm kết nối giao thông, giao thương các tỉnh vùng Đông Nam bộ vẫn chỉ tồn tại trên các bản đồ quy hoạch. Quốc lộ 13 đoạn qua TPHCM chỉ dài chừng 5km nhưng hơn 20 năm nay, dự án mở rộng đoạn này vẫn chưa thể thực hiện. Kế hoạch mở rộng Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A để kết nối TPHCM với vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ cũng trong tình trạng tương tự. 

Hầu hết các cửa ngõ ra vào TPHCM đều là những điểm tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ. Nông sản, hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh qua các cảng ở TPHCM giảm tính cạnh tranh cũng bởi chi phí vận chuyển, kho bãi cao ngất ngưởng.

TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khu vực này đóng góp tới 35% GDP, 46,1% tổng thu ngân sách, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhưng nhìn lại, hơn mười năm qua, vẫn chưa có tuyến đường nào thực sự quy mô, đủ tầm kết nối các địa phương trong vùng. 

Tại hội nghị tổng kết 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, Đông Nam bộ là một trong những vùng tạo động lực phát triển kinh tế chủ yếu của cả nước. Nhưng tốc độ phát triển giao thông của vùng này trong 20 năm qua rất chậm khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng chậm lại. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giao thông là mạch máu của nền kinh tế, nhưng các loại hình giao thông gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không trong vùng đều tắc nghẽn. Do đó, cần tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông ở Đông Nam bộ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, quy hoạch vùng và từng địa phương trong vùng đang trùng lắp chức năng, dẫn đến sự thiếu liên kết và tạo nên lực kéo, thay vì lực đẩy cho sự phát triển. Để giải quyết điểm nghẽn này, ông cho rằng, cần có ban chỉ đạo vùng, trong đó gồm bí thư tám tỉnh, thành và do một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách.

Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Đông Nam bộ còn nhiều dư địa phát triển nhưng thiếu quy hoạch hiện đại, đồng bộ và thiếu tính liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, cơ quan, khiến các tiềm năng không được phát huy hiệu quả. Cơ chế chỉ huy vùng đã có nhưng thiếu một “nhạc trưởng” để tổ chức, điều hành. Có thể một vị Phó thủ tướng, hay Bí thư Thành ủy TPHCM sẽ đảm nhiệm vai trò điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vài ngày trước, khi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhận xét, liên kết vùng còn lỏng lẻo, mang tính hình thức do thiếu bộ máy dẫn dắt. Để phát triển kinh tế vùng thì các địa phương phải vì lợi ích của vùng chứ “không cát cứ, không cục bộ”.

Những hạn chế, bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng đã được các bộ ngành chức năng, địa phương nhận diện rất rõ. Tuy nhiên, vấn đề người dân mong muốn là hành động mang lại kết quả trong thực tế một cách kịp thời.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho rằng, có sự chênh lệch khá lớn trong đầu tư hạ tầng giao thông - yếu tố mang tính quyết định trong liên kết vùng hoặc liên vùng. Để có hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng và liên vùng, cần nguồn vốn lớn. Rất khó để có nguồn vốn từ Trung ương hay vốn hợp tác phát triển chính thức (vốn ODA). Giải pháp phù hợp và mang lại hiệu quả nhanh nhất trong bối cảnh hiện nay là trao cơ chế để các địa phương trong vùng huy động vốn. 

Thư Hùng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI