Hành động cha mẹ bập bẹ theo con tưởng như vô nghĩa nhưng lại mang đến lợi ích không ngờ

23/12/2016 - 06:30

PNO - Điều này khiến trẻ định hình được những thanh âm phức tạp và sẽ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ nhanh hơn.

Cha mẹ có thể không hiểu được tiếng ê a của con, nhưng bằng cách lắng nghe và đáp trả, họ giúp trẻ nhỏ biết rằng chúng có thể giao tiếp.

Theo một nghiên cứu mới thực hiện bởi ĐH Iowa và ĐH Indiana (Mỹ), cách thức cha mẹ đáp trả với tiếng bập bẹ của trẻ có thể định hình cách trẻ giao tiếp và sử dụng thanh âm cũng như đẩy nhanh quá trình phát triển và hình thành ngôn ngữ của trẻ.

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, nếu cha mẹ tham gia một cách có ý thức vào hoạt động bập bẹ của con có thể đẩy nhanh khả năng phát âm và học ngôn ngữ của bé.

Julie Gros-Louis, phó giáo sư Tâm lý học tại ĐH Iowa, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Việc bập bẹ theo em bé không phải là vấn đề mà chính cách thức người mẹ đáp trả lại con mới thật sự có ý nghĩa”.

Hanh dong cha me bap be theo con tuong nhu vo nghia nhung lai mang den loi ich khong ngo

Các nhà khoa học đã quan sát sự tương tác giữa 12 bà mẹ và trẻ sơ sinh 8 tháng tuổi khi họ chơi với con 2 lần một tháng trong vòng 30 phút trong suốt 6 tháng. Họ lưu ý cách các bà mẹ đáp lại tiếng chuyện trò của con em mình, như bập bẹ, thủ thỉ, đặc biệt là phải có sự giao tiếp bằng cử chỉ khi con hướng về phía mẹ.

Nhờ đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trẻ sơ sinh có mẹ phản ứng – giao tiếp lại với chúng sẽ nói ra được nhiều âm thanh phức tạp hơn, có nhiều phụ âm – nguyên âm hơn những đứa trẻ còn lại.

Mặt khác, trẻ sơ sinh mà có mẹ không cố gắng hiểu con mình, thay vào đó lại hướng sự chú ý của trẻ khi ấy vào một điều gì khác thì không có mức độ phát triển tương đương trong kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp.

Tiến sĩ Gros-Louis cho rằng, sự khác biệt là ở các bà mẹ chăm chỉ nói chuyện với trẻ sơ sinh đã chứng tỏ rằng các bé có thể giao tiếp với cha mẹ. Do đó, những đứa trẻ này sẽ lại thường xuyên bi bô hơn. Tiến sĩ nói thêm: “Trẻ sơ sinh đã sử dụng tiếng bi bô của mình như một cách giao tiếp, và do đó chúng cần có sự tương tác”.

Kết quả của cuộc khảo sát diễn ra một tháng sau khi nghiên cứu kết thúc cho thấy con của các bà mẹ chú ý đến tiếng ê a của con nhiều nhất đã nói được nhiều từ và thực hiện nhiều cử chỉ hơn vào mốc 15 tháng tuổi.

Hanh dong cha me bap be theo con tuong nhu vo nghia nhung lai mang den loi ich khong ngo

Tiến sĩ Gros-Louis và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu sâu hơn bằng cách quan sát tương tác giữa mẹ và trẻ trong một khoảng thời gian dài hơn mà không có bất kỳ chỉ dẫn cách thức đáp ứng nào cho các bà mẹ từ trước.

Một lần nữa, các kết quả cho thấy, trẻ sơ sinh có mẹ chú ý kỹ càng hơn đến tiếng bập bẹ sẽ phát ra các thanh âm phức tạp hơn, đồng thời cũng phát triển các kỹ năng ngôn ngữ sớm hơn.

Một nghiên cứu khác cho thấy, từ khi còn là trẻ sơ sinh, bé đã biết phân biệt giữa ngôn ngữ và tiếng ồn. Họ phát hiện ra rằng các em bé 7 tháng tuổi có thể phân biệt tiếng nói từ những người khác nhau ngay cả khi bé không hề nhìn thấy người đó nói. Đồng thời, khi 11 tháng tuổi, bé có thể phân biệt tiếng mẹ đẻ với các ngôn ngữ khác.

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI