Hành động bất ngờ của xóm trọ giúp người mẹ đẻ rớt con trong đêm

01/12/2017 - 20:52

PNO - Người mẹ đẻ rớt con trong đêm ấy nhập viện với tiền quyên góp của dân trong xóm lao động nghèo, những người thường ngày vẫn đánh nhau ồn ào đến nỗi 9 giờ tối, chị phải đóng chặt cửa cho an toàn.

Cao Thị Út là tên của người mẹ vượt cạn một mình trong đêm khuya, tại một khu trọ ở phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Hai mẹ con chị bình yên chính là nhờ những người trong xóm lao động nghèo nhanh tay giúp đỡ, hùn tiền để hai mẹ con được nhập viện.

Được nhập viện là món quà xa xỉ

Xóm trọ nằm dưới chân cầu Rạch Chiếc, phía bên quận 2. "Út chả nhớ tên đường, chả nhớ số nhà, chỉ nhớ ở trong dãy nhà trọ của ông Dương, nằm ngay ở chợ chồm hổm. Út có bầu ở đó chỉ chăm con. Chồng phụ hồ, tất tả cũng đủ tiền đóng tiền trọ 1 triệu đồng 1 tháng".

Chồng đi vắng vì phải ngủ ở công trình xây dựng cách phòng trọ khoảng 5 cây số. Nhà chỉ còn chị và đứa con gái đầu 3 tuổi. Mới khoảng 9 giờ tối, chị phải đóng chặt hết cửa nẻo vì đàn ông trong xóm nhậu say, ngày nào cũng ồn ào, đánh chửi nhau.

Hanh dong bat ngo cua xom tro giup nguoi me de rot con trong dem
Em bé bị đẻ rớt trong đêm khuya rạng sáng ngày 1/12 vì mẹ không biết dấu hiệu chuyển dạ thực sự.

Một tuần trước đêm chuyển dạ nhanh như điện ấy, chị được bác sĩ khuyên sắp đến ngày sinh, phải nhập viện theo dõi. Nhưng nghe nhập viện, chị xanh xám mặt mày vì điều dưỡng nói phải chuẩn bị ít nhất 3 triệu đồng.

Vậy là về nhà thôi. Khuya, những cơn gò tử cung khiến chị không ngủ được. Nghĩ đơn giản chắc dấu hiệu chuyển dạ giả, đau bụng đi vệ sinh nên chị quyết định giải quyết "nỗi buồn" vào chiếc bô trong phòng.

Khi em bé ra ngoài, rớt hẳn vào bô vệ sinh, chị Út sợ quá hét lên kêu cứu. Trong đêm khuya, ngoài tiếng hét của chị còn có tiếng khóc vang oa oa của con gái lọt lòng trong bô vệ sinh.

Nghe tiếng khóc la, những người hàng xóm tông cửa chạy vào. Người lo cho em bé, người lo cho mẹ và người gọi điện thoại cấp cứu đến Bệnh viện Quận 2.

Hanh dong bat ngo cua xom tro giup nguoi me de rot con trong dem
Con gái 3 tuổi phải vào viện với mẹ vì nhà không có ai giữ

Một bà cụ 81 tuổi nhanh tay bế khéo em bé lên, quấn vào khăn gọn gàng. Cũng chính bà tất tả vào viện thăm mẹ con chị bằng thùng sữa tươi. Thấy 2 mẹ con bình yên, chị và bà con chòm xóm cho rằng cách xử lý "sinh con trong bô" rất may mắn. Bởi lẽ, xóm trọ lao động này mỗi khi đi vệ sinh phải sử dụng những chiếc cầu tõm. "May mà con Út không ra đấy. Nếu không câu chuyện đã kết thúc khác rồi" - một người hàng xóm kể lại.

Thấy vợ chồng chị không đủ tiền đóng viện phí, chòm xóm đã gom góp được 3 triệu đồng. Ông chủ phòng trọ cho được 500 ngàn đồng. Còn ông chủ của chồng ở ngoài Bắc cũng hứa sẽ cho tiền.

Sản phụ nhập viện… không mảnh giấy lận lưng

Chị Út nhập viện gần như không có gì. Không người thân, không tiền, không thẻ bảo hiểm y tế, không có giấy tờ tùy thân, không có số điện thoại liên lạc và không hề biết chữ…

Hanh dong bat ngo cua xom tro giup nguoi me de rot con trong dem
Ông bố làm phụ hồ phải ngủ lại công trình, không kịp về khi vợ sinh con

Cao Thị Út cho biết sinh ra ở Bạc Liêu nhưng mồ côi cha mẹ từ khi được 3 tuổi. Không cha không mẹ, Út được một gia đình nhận về nuôi, sống cùng những đứa trẻ mồ côi khác. Ngặt nỗi, để được ăn uống và có quần áo mặc, Út bị người ta bắt ra đường làm ăn xin.

5 tuổi, Út quyết định bỏ nhà ra đi, lang thang tự kiếm sống. May mắn, Út gặp được người chồng bây giờ. Hai người cách nhau 12 năm. Lấy nhau rồi dắt díu nhau lên Sài Gòn sinh sống.

Con gái đầu của họ 3 tuổi được đặt tên Cao Ngân Kiều, ở nhà với mẹ. Và đứa bé mới sinh, Út tự mình đặt tên Cao Ngọc Tiền. Giải thích vì sao lại lấy họ mẹ, Út bảo: "Không cho lấy họ cha vì ổng đi nhậu say xỉn suốt ngày. Không muốn con sau này như vậy".

Hanh dong bat ngo cua xom tro giup nguoi me de rot con trong dem
Cố bé khóc nức nở về hộp cơm bố mang về là cơm chay, không có cá để ăn

Khi chúng tôi vào thăm Út, đứa bé đầu lòng nằm ngủ trên giường cùng mẹ và em gái mới sinh. Chồng chị mới đi kiếm được một hộp cơm từ thiện về để đầu giường cho chị.

Nhìn chồng, chị Út quay lại nhìn con mới sinh rồi tự nhủ: "Mong sớm về nhà, chứ ở lại tiền đâu để sống tiếp những ngày sau".

Chúng tôi mong sự hỗ trợ của cộng đồng, giúp vợ chồng chị Cao Thị Út vượt qua cơn khốn khó. Mọi đóng góp xin gửi về Báo Phụ nữ TP.HCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM hoặc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung "giúp vợ chồng Cao Thị Út”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI