Hành động bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lợi ích quốc tế

20/04/2020 - 06:00

PNO - Hôm 18/4, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng bắt nạt ở Biển Đông sau hàng loạt động thái khiêu khích của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng...

Hôm 18/4, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng bắt nạt ở Biển Đông sau hàng loạt động thái khiêu khích của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên và tuyến đường biển quan trọng.

Trung Quốc có nhiều hành động nguy hiểm

Hãng Reuters dẫn nguồn tin an ninh khu vực tiết lộ, tàu khảo sát của Trung Quốc đang quấy rối tàu thăm dò do công ty dầu khí nhà nước Malaysia Petronas vận hành ở vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi nước này thuộc Biển Đông. Trước đó, vào trung tuần tháng Tư, tàu Haiyang Dizhi 8 cũng xuất hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nơi nó được cho là thực hiện việc thăm dò dầu khí và tài nguyên dưới đáy đại dương. Nguồn tin từ Malaysia cho biết, tàu Haiyang Dizhi 8 đi cùng hạm đội hơn 10 tàu Trung Quốc, bao gồm cả những tàu thuộc lực lượng dân quân hàng hải và bảo vệ bờ biển.

Trung Quốc thường xuyên sử dụng đội tàu nghiên cứu để quấy rối hoạt động khai thác dầu khí và đánh bắt cá của các quốc gia trên Biển Đông
Trung Quốc thường xuyên sử dụng đội tàu nghiên cứu để quấy rối hoạt động khai thác dầu khí và đánh bắt cá của các quốc gia trên Biển Đông

Trong một tuyên bố gửi qua email hôm 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Mỹ lo ngại trước các báo cáo về hành động khiêu khích lặp đi lặp lại từ phía Trung Quốc nhằm vào sự phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác. Trong trường hợp này, Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt, không tham gia vào loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này".

Làn sóng căng thẳng mới xuất hiện trong vài tuần qua cáo buộc Trung Quốc đang lợi dụng sự mất tập trung toàn cầu trong đại dịch COVID-19 để tăng cường yêu sách ở Biển Đông, đặc biệt là việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Nhưng thực chất, sự hung hăng mà Trung Quốc đang thể hiện đối với hoạt động đánh bắt cá, dầu khí của Việt Nam và Malaysia đã bắt đầu từ lâu và dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai. Bắc Kinh quyết tâm thiết lập quyền kiểm soát đối với tất cả các hoạt động thời bình trong khu vực “đường chín đoạn” mà nước này tự đưa ra yêu sách và một số khu vực khác trong Biển Đông. Hằng ngày, các hoạt động bắt nạt do các tổ chức địa phương như Hạm đội Biển Nam, chính quyền tỉnh Hải Nam hoặc các doanh nghiệp nhà nước như CNOOC (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc) điều hành.

Dễ nhận thấy, Bắc Kinh đang muốn thực hiện kế sách “vừa đánh, vừa xoa”. Một mặt, nước này tạo ra môi trường chính sách khuyến khích các sự cố dưới ngưỡng xung đột vũ trang, quấy rối nhiều quốc gia xung quanh và áp đặt các quyền lực vô lý. Mặt khác, khi phương án trở nên sai và gây ra khủng hoảng, Bắc Kinh chuyển sang chế độ kiểm soát thiệt hại bằng con đường ngoại giao. Vấn đề tiếp theo cho khu vực là sự suy yếu của bộ máy quốc phòng và lực lượng vũ trang phối hợp cùng Mỹ ở Philippines dưới thời Tổng thống Duterte. Việc bãi bỏ thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Mỹ - Philippines vào tháng 8/2020 sẽ gây tổn hại lớn cho cả an ninh quốc gia Philippines và sức mạnh của Mỹ ở Biển Đông.

Ba khuynh hướng có thể xảy ra trong tương lai 

Có ba khuynh hướng ngoại giao đáng chú ý dự kiến diễn ra trong tương lai về vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, những cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN - Trung Quốc tiếp tục duy trì mà không có tiến triển thực sự. Các quốc gia vẫn chưa giải quyết được bất kỳ vấn đề cố hữu nào, vốn từng đẩy thỏa thuận COC ban đầu cách đây 20 năm vào bế tắc. Mặt khác, COC dường như là một cách để Bắc Kinh thể hiện vẻ thiện chí bên ngoài, trong khi tiếp tục quấy rối các nước láng giềng.

Khuynh hướng thứ hai là, các cơ chế hoạt động song phương, đặc biệt là giữa Manila và Bắc Kinh. Bản ghi nhớ về thăm dò dầu khí chung được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Duterte ký kết vào tháng 10/2018 đặt ra mục tiêu một năm cho thỏa thuận cuối cùng. Điều đó đã không xảy ra bởi thực tế, hai quốc gia tìm kiếm mô hình hoạt động cực kỳ khác nhau. Việc bỏ qua tất cả các vấn đề đi ngược lại luật pháp, lợi ích chính trị ở Philippines vì mục đích “hợp tác phát triển” cùng Trung Quốc chỉ dẫn đến bế tắc. 

Cuối cùng, Trung Quốc hiện đã đưa rất nhiều “diễn viên” vào vở kịch xung đột dân sự ở Biển Đông; sớm hay muộn, những tranh chấp cũng sẽ dẫn đến thiệt hại về người, tạo ra nhu cầu hành động đáng kể từ chính phủ các nước Đông Nam Á. Những thất bại liên tục của tiến trình bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhấn mạnh về lựa chọn ngoại giao kép, với các bên khiếu nại hoặc thông qua một cơ chế bên ngoài như thủ tục hòa giải hoặc phân xử của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Tấn Vĩ (theo Reuters,The Star, The Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI