Hàng y tế kém chất lượng vẫn “lọt khe cửa hẹp” để trúng thầu

01/11/2023 - 10:15

PNO - Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, khó nhất là mua được hàng chất lượng tốt. Hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ.

Sáng 1/11, tranh luận tại hội trường Quốc hội về vấn đề thuốc và vật tư y tế, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lân Hiếu cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nêu nhiều tồn tại trong việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế cho bệnh nhân

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nêu nhiều tồn tại trong việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế cho bệnh nhân

Tuy nhiên, vấn đề mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối. Đại biểu ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này.

“Rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau”, ông nói.

Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ. Có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu.

Chính vì vậy, ông cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cũng chỉ ra, nhiều năm nay, việc cấp phép nhập khẩu các thiết bị, dụng cụ y tế mới rơi vào thế bế tắc. Bản thân ông cũng từng phải đưa bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh vì không có dụng cụ mới. Các hãng lớn nhìn thấy thời gian lâu cấp phép nên ngao ngán, rút khỏi thị trường…

Trong khi đó, ở các bệnh viện tỉnh còn khó khăn nhiều hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra, phụ thuộc vào sở y tế, UBND… Tâm lý sợ trách nhiệm dẫn tới việc trì hoãn cấp phép trang thiết bị y tế. Có việc, hồ sơ xin cấp phép gần hết hạn, những người có thẩm quyền xét duyệt mới lôi ra, tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở… Cứ vậy hết thời gian thẩm định, không có sản phẩm để sử dụng.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu, bệnh viện chịu trách nhiệm trước bệnh nhân và pháp luật.

Trước đó, chiều 31/10, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhận xét báo cáo của Chính phủ về lĩnh vực y tế còn sơ sài. Bà đề nghị bổ sung về tình hình giải quyết cung ứng thuốc, vật tư y tế, danh mục thuốc bảo hiểm y tế…

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm, thuốc và vật tư y tế có thời gian đã không được cung ứng đủ cho bệnh nhân. Danh mục thuốc mới - ứng dụng thành tựu khoa học, cũng chậm nếu so với các nước. “Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp mất 15 tháng, Hàn Quốc mất 18 tháng, nhưng chúng ta mất trung bình từ 2 - 4 năm để cho một loại thuốc mới có thể được vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế và như vậy mất quyền lợi của người dân hưởng bảo hiểm y tế”, bà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra lác đác, đó là bệnh nhân phải tự mua thuốc. “Tôi xin đặt lại câu hỏi một lần nữa, bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi.

Nữ ĐBQH cũng đề nghị bổ sung tình hình chính sách dự trữ quốc gia về các thuốc hiếm điều trị một số bệnh đặc biệt. Việc thiếu vắc xin cho tiêm chủng mở rộng vẫn là một nguy cơ. Hiện nay, một số địa phương vẫn đang thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đề xuất bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân

ĐBQH Nguyễn Tri Thức (TPHCM) nêu sự cần thiết và tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tìm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý di truyền. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ đã rất đau lòng lựa chọn cứu mẹ hay cứu con. Nguyên nhân là bởi không tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân, không có kế hoạch dự phòng.

Tuy nhiên, theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn.

Vì vậy, ĐBQH đề nghị cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI