Hàng xóm ra tòa tranh nhau chum nước

21/12/2015 - 07:34

PNO - Chiếc chum nước bỏ nhiều năm không ai lấy, đến khi 2 người hàng xóm cần sử dụng thì ai cũng nhận nó thuộc về mình.

“Sứt đầu, mẻ trán” vì tranh nhau vại nước

Vụ việc hy hữu xảy ra tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp vào năm 2012, hai gia đình ông Phan Văn Kiên và Trần Văn Hưởng sống cùng chung một ngõ. Nhưng vì một chiếc chum nước bỏ xó mà ông Kiên và ông Hưởng xảy ra mối bất hòa.

Chiếc vại làm bằng sành có đường kính khoảng 70cm, được vứt chỏng chơ ở bên vệ đường từ nhiều năm. Mặc dù, hàng ngày gia đình ông Kiên và ông Hưởng đi qua nhưng chẳng ai thèm để ý. Thậm chí, đám trẻ con của hai gia đình đôi lúc còn hứng trí đi tiểu tiện vào chiếc vại đó.

Ngày đi chợ đầu xuân, ông Kiên mua cây kiểng về trồng nhưng trong nhà hết chậu. Nhớ tới chiếc chum đám trẻ thường xuyên đi vệ sinh ngoài nên ông ra ngõ lấy về.

Đúng thời điểm này, bên gia đình ông Hưởng cũng đang nấu rượu. Đi tìm mua mãi chiếc chum ủ men nhưng quanh vùng chẳng có người nào bán. Ông Hưởng trở về nhà thì nhìn thấy chiếc chum nằm nghiêng ngả bên cạnh lối đi nên có ý định mang về làm vật ủ men rượu.

Hang xom ra toa tranh nhau chum nuoc
Ảnh minh họa.

Nào ngờ, ý nghĩ lấy chiếc chum về nhà sử dụng việc riêng của hai người hàng xóm trùng nhau ở một thời điểm nên đã xảy ra mâu thuẫn. Ông Kiên đang định bê chiếc chum về thì ông Hương nhìn thấy chạy ra ngăn cản.

Lời qua tiếng lại, hai bên xảy ra trận cãi vã kịch liệt. Mặc dù nhiều người chạy đến can ngăn nhưng dường như mâu thuẫn giữa ông Kiên và ông Hưởng chưa có biểu hiện dừng lại.

Từ việc đấu “võ mồm”, hai bên lao vào nhau ẩu đả với hung khí trên tay. Cuộc xô xát chỉ chấm dứt khi chính quyền địa phương đến khống chế đưa cả hai lên trụ sở chính quyền địa phương giải quyết.

Mặt mày ông Kiên bầm tím, tay rách phải khâu 6 mũi vì vết mảnh sành cứa vào. Còn ông Hưởng cũng chẳng khá hơn khi đầu sưng to phải đi kiểm tra tại bệnh viện, lấy thuốc uống cả tuần liền mới thuyên giảm. Chiếc chum ở đầu ngõ cũng không thể sử dụng được nữa vì bị hai người đập vỡ tan tành.

Vại nước của ai?

Dù vậy, hai người chẳng những không rút ra được bài học cho mình mà càng cảm thấy bực tức, quyết lôi nhau ra tòa kiện để phân xử rõ đúng, sai.

Hang xom ra toa tranh nhau chum nuoc
TAND huyện Lai Vung, Đồng Tháp - nơi hai người hàng xóm đến kiện vì chiếc chum nước vào năm 2012.

Vụ việc tuy nhỏ nhưng có nhiều tình tiết phức tạp bởi chiếc chum tồn tại từ lâu, lại là vật vô tri vô giác không thể nói như con người nên việc xác định chủ nhân thực rất khó. Một điều khó khăn nữa là chiếc chum đã vỡ, không thể nhận dạng được nên việc xác định chủ nhân của nó càng gặp nhiều khó khăn.

Quá trình tìm hiểu, nhiều người sống trên khu vực đều không rõ xuất xứ chiếc chum là nguồn cơn mâu thuẫn. Chỉ đến lúc chuyện của ông Kiên và ông Hưởng nổ ra thì chiếc chum nước ấy mới trở nên “nổi tiếng”. Có người còn tò mò tìm đến địa điểm đó xem chiếc chum nước quý cỡ nào mà hai người đàn ông phải kiện nhau ra tòa.

Sau nhiều ngày dò hỏi, cuộc tìm kiếm lịch sử của chiếc chum nước rơi vào bế tắc. Trong khi hai người đàn ông kiện nhau ra tòa vẫn một mực khẳng định vật ấy thuộc quyền sở hữu của mình. Không còn cách nào khác, vị thẩm phán bèn nghĩ ra cách “xử ngược”. Tức là, yêu cầu ông Kiên và ông Hưởng đưa ra bằng chứng để chứng minh đồ vật thuộc quyền sở hữu của mình.

Nhưng khi bị thẩm phán yêu cầu, cả 2 đều ấp úng, không đưa ra được bằng chứng. Cuối cùng, HĐXX buộc phải tuyên hủy yêu cầu của hai người vì lý do không xác định được chum nước của ai. Cả hai chia nhau mỗi người một nửa tiền án phí rồi ra về trong sự chê cười của nhiều người dân trong vùng.

Huy Toàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI