Hàng xóm ơi, yêu chó nhưng hãy văn minh lên

27/01/2023 - 08:54

PNO - Yêu thương động vật, nuôi chó đúng cách, tuân thủ qui định của pháp luật, tôn trọng cộng đồng xung quanh là một trong những biểu hiện của lối sống trong xã hội văn minh.

Một người bạn của tôi ở chung cư cao cấp. Nhưng vừa gọi tôi sang để phụ một tay cho việc dời sang một chỗ mới ngay những ngày đầu năm. Nguyên do bắt nguồn từ những khó chịu liên quan đến tiếng chó sủa cả ngày, đi vệ sinh bậy bạ ở hàng lang và mùi nước tiểu chó, phân chó vương vãi khắp khoảng không phía dưới chung cư.

Trên các nhóm kín, nhóm hở của cộng đồng các cư dân, không khó để người ta dễ dàng bắt gặp những lời than vãn, những cái lắc đầu ngao ngán kèm theo ấm ức vì bãi sân chung, công viên nơi họ dẫn trẻ con đến hít khí trời tản bộ lại ám đầy mùi nước tiểu, mùi chó phóng uế, gây ức chế cho cộng đồng.

Có nhiều nguyên dẫn đến mối bất hòa, chỉ trích gay gắt, cái nhìn thiếu thiện cảm dành cho những người nuôi chó. Tình làng nghĩa xóm vốn là những mối tương quan tốt đẹp theo quan niệm của ông cha “mua anh em xa bán làng giềng gần” hay “ hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” thì nay xích mích, hậm hực, không thèm nhìn mặt nhau. Những lời hỏi thăm, quan tâm tử tế nhau dần mất đi hẳn. Thay vào đó, hòa trong tiếng chó sủa, người ta còn nghe thêm những lời chửi rủa chỉ trích qua lại lẫn nhau. Con người, đồng loại xích mích với nhau từ chuyện con vật, từ thú cưng.

Chó là thú cưng, là nguồn giải tỏa stress, là niềm vui với một số ít cá nhân, nhưng cũng có thể là ác mộng, sự dị ứng đối với rất nhiều người. Yêu động vật, nuôi chó, chăm thú cưng là sở thích và là quyền cá nhân của mỗi người và cần được tôn trọng. Nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bực bội mang đến cho cộng đồng, người xung quanh.

Điều dễ thấy nhất khi nghĩ về khung cảnh ở công viên. Đó là không gian công cộng chung, nơi để mọi người ngồi tâm sự, thư giãn, đi dạo bộ thì những cá nhân tự xem mình là người văn minh, người có tình yêu thương loài vật mang chó đi dạo, xem đây là nơi để chó giải quyết vấn đề vệ sinh chỉ để họ khỏi phải dọn vệ sinh ở nhà. Đầu ngõ, cuối xóm, cung đường dọc ghế đá công viên không khó để bắt gặp phân chó, làm nhiều bậc phụ huynh ái ngại dẫn con trẻ ra ngoài chơi vì sợ giẫm đạp phân mang về.

Chưa dừng lại ở đó, ngoài công viên, nhiều chủ nuôi chó vẫn vô tư để chó không rọ mõm chạy lung tung ngoài đường. Rất nhiều con to 50, 60 ký không rọ mõm là nỗi sợ hãi của cả người lớn lẫn trẻ con. Bản thân tôi thỉnh thoảng đi dạo cũng bị chó không rọ mõm vồ tới. May sao vẫn bình an, dù có chút hốt hoảng. Khi hoàn hồn, tôi tự hỏi, nếu lỡ điều không mong đợi xảy ra, nếu tôi không may mắn thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Lời bao biện rằng chó này hiền lắm, không cắn ai bao giờ, không phải lúc nào cũng đủ sức để duy trì việc “dĩ hòa vi quý”.

Tôi cũng yêu chó và luôn tôn trọng sở thích nuôi chó làm thú cưng của mọi người. Nhưng thiết nghĩ, đừng để con người xích mích với nhau vì con vật. Yêu thương động vật là quyền, là tự do cá nhân của mỗi người, nhưng hơn hết cần tử tế lịch thiệp và tôn trọng cộng đồng. Nếu chủ nhân của những chú chó biết rõ về những điều chưa dễ thương, có thể gây ra phiền toái của hàng xóm, của người xung quanh thì xã hội, thì Việt Nam thêm phần văn minh.

Để có một xã hội văn minh và có giải pháp hợp tình hợp lý khi bàn đến câu chuyện này, theo tôi cần lưu ý hơn những điểm sau.

Trước hết, về phía chủ nhân nuôi chó. Nếu đã biết mình là chủ nhân của chó thì phải ý thức cao khi dẫn nó đến các địa điểm không gian chung.

Chỉ nên dắt thú cưng của mình khi đã đảm bảo chó đã được rọ mõm, luôn luôn có dây thắt an toàn, bất kể con vật lớn nhỏ. Tôi nghĩ, bắt buộc phải mang theo các đồ dùng dọn vệ sinh nếu chó mình lỡ phóng uế bừa bãi, chứ đừng chăm chăm nghĩ chỉ cần dọn sạch ở mỗi trước cửa nhà mình thôi, mặc kệ khu hàng xóm, ngoài đường, ở lề công viên. Chó nếu có thả rông đủ chỗ, gây ra lỗi thì người nuôi cần nhìn nhận trách nhiệm thay vì phủi tay.

Thêm một điểm quan trọng, những đơn vị lập pháp, quản lý xã hội, ngành chức năng nên có những qui định rõ ràng, cụ thể, biện pháp chế tài mạnh, có tính thực thi để quản lý vấn đề này. Đề nghị cấm chưa hẳn là một cách làm hợp tình hợp lý. Khi mỗi cá nhân trong cộng đồng chưa ý thức được ý thức chung, chưa thể hiện được sự văn minh, tôn trọng cộng đồng, xã hội, mang những điều chưa hay chưa đẹp của văn hóa cũ, làng xã vào môi trường văn minh thì chỉ có pháp luật mới giải quyết được.

Cuối cùng, mong những cá nhân hay dị ứng, bức xúc với cái nhìn chưa thiện cảm về loài vật hãy thay cách nhìn bằng “đôi mắt hình viên đạn” bằng một thái độ hiền hòa với loài chó, và cả chủ nhân của chúng. Đừng để con người xích mích nặng lời với nhau vì con vật. Khi đó, người ta chợt nhận ra ở xã hội này, yêu thương, nuôi động vật đúng cách, đủ chuẩn mực tử tế, lịch sự, lịch thiệp với người xung quanh thì cuộc sống thêm phần đẹp đẽ, văn minh.

Nguyễn Thị Hồng Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI