Hãng xe “công nghệ” phớt lờ trách nhiệm xã hội?

09/12/2020 - 08:01

PNO - Năm 2014, khi Grab và Uber cùng vào Việt Nam, nhiều người bắt đầu biết thế nào là kinh tế chia sẻ. “Khi ra khỏi nhà, thay vì để trống chỗ ngồi trên xe, ứng dụng sẽ giúp bạn tìm kiếm người có nhu cầu đi nhờ xe gần nhất; bạn sẽ có thêm thu nhập, người đi nhờ cũng tiết kiệm được tiền hơn đi taxi”. Thông điệp mà các hãng đưa ra rất hợp hoàn cảnh khi đó.

Khi đó, mô hình mà các hãng vận tải ứng dụng công nghệ này đưa tới chẳng khác gì một cuộc cách mạng trong ngành vận tải. Để lôi kéo được các đối tác (tài xế) tham gia, chủ các ứng dụng gọi xe đã đưa ra các chính sách cực kỳ có lợi cho tài xế, từ trải nghiệm ứng dụng miễn phí đến ưu đãi về mức chiết khấu: một cuốc xe GrabBike có giá cước 100.000 đồng thì tài xế hưởng 85.000-90.000 đồng, tùy theo hãng. Chạy xe “công nghệ” trở thành “nghề” có thu nhập hấp dẫn trong khi tài xế không phải phơi mặt bất kể ngày đêm tại các góc đường hay bến tàu, nhà ga… như các tài xế xe ôm, taxi truyền thống để đón khách. Họ có thể ngồi hay đứng ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào mà vẫn kiếm được khách.

Số lượng người trở thành đối tác của các hãng xe “công nghệ”, đặc biệt là Grab và Uber, tăng vù vù. Nhiều người là nhân viên văn phòng, sinh viên, nhân viên giao hàng từ chỗ tận dụng khoảng thời gian trống để tranh thủ chạy vài cuốc xe đã quyết định làm tài xế toàn thời gian cho các hãng xe “công nghệ” này, gồm cả người có xe máy lẫn người có ô tô. Nhiều người không có xe cũng thế chấp tài sản cho ngân hàng để mua xe, chạy Uber, chạy Grab. Đây có lẽ là một phần lý do khiến một số ứng dụng như GrabCar đơn phương áp dụng mức chiết khấu khởi đầu 20% cho tài xế tại thị trường Việt Nam trong khi ở các nước cùng khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Singapore chỉ áp mức 10%.

Các tài xế phản ứng việc Grab tăng giá cước - Ảnh: Anh Định (Tuổi Trẻ)

Và khi đối tác (tài xế) càng đông, ưu đãi về tưởng thưởng, chiết khấu ngày càng “khó nhằn” hơn. Muốn được thưởng theo doanh số, tài xế phải chạy nhiều hơn, mức chiết khấu cũng bị điều chỉnh tăng dần, mỗi lần 3-5%. Những người chạy thời vụ (chỉ chạy vào lúc rảnh) cũng khó duy trì quan hệ đối tác do định mức ngày càng cao dần. Đó chẳng khác gì một cuộc thanh lọc đối tác của các hãng xe “công nghệ”. Những người chạy chuyên nghiệp (chạy toàn thời gian) muốn đảm bảo doanh số, cũng phải bào mòn sức lực nhiều hơn.

Đáng nói, các tài xế “công nghệ” dù là đối tác của các hãng nhưng dường như không hưởng được sự bình đẳng. Khi các hãng này đưa ra chính sách mới, tài xế nào chấp thuận thì tiếp tục hợp tác, không chấp nhận thì… nghỉ. Còn nhớ, khi các hãng vận tải truyền thống chỉ trích các hãng “công nghệ” lấn át họ nhờ né được nhiều khoản chi phí và nhờ ăn lãi trên lưng tài xế, nhiều người - trong đó có các tài xế “công nghệ” - đã mỉa mai các hãng xe truyền thống, rằng “không cạnh tranh nổi nên đặt điều”. Thực tế, các hãng vận tải truyền thống bị ràng buộc rất nhiều về hợp đồng lao động, phải lo lương, thưởng, bảo hiểm… cho tài xế. Nhưng bù lại, tài xế có quyền được đối xử như một người lao động đúng nghĩa. 

Tài xế xe “công nghệ” có phải là người lao động không? Tất nhiên là phải. Thậm chí, họ còn đang làm một nghề nguy hiểm khi phải thức khuya, dậy sớm và không ít trường hợp phải vong mạng do gặp trộm cướp hay bị tai nạn khi chở khách. Nhưng họ lại không được đối xử công bằng như một người lao động. Khi gặp rủi ro, họ cũng chỉ nhận được sự quan tâm của những đồng nghiệp. Các hãng xe “công nghệ” có mặt tại Việt Nam được sáu năm thì có đến 3-4 lần, các tài xế tập hợp thành nhóm hàng ngàn người để phản đối các chính sách mới, nhưng các hãng chẳng bao giờ chịu phần thiệt, thậm chí họ chẳng thèm ra mặt để đối đáp. Tài xế phản đối mãi chẳng ai nghe, tắt app thì không có thu nhập, lại phải mở app đi “cày”.

Trong văn hóa tiêu dùng hiện đại, một sản phẩm khi xuất khẩu, ngoài chất lượng, giá cả, độ an toàn, các nhà nhập khẩu còn đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm xã hội của bên xuất khẩu: có ngược đãi công nhân không, có sử dụng lao động trẻ em không, việc sản xuất có gây ô nhiễm môi trường không, có sử dụng nguyên liệu gây hại cho thiên nhiên không? 
Việc Grab áp dụng mức thu thuế giá trị gia tăng (VAT) những ngày qua tiếp tục gây phản ứng trong giới tài xế. Không ai phản đối chính sách thuế này, nhưng mức thuế đó bị dồn hết cho người tiêu dùng và tài xế, trong khi nhà cung cấp ứng dụng (hãng xe) thậm chí còn tăng doanh thu từ việc điều chỉnh giá cước. 

Rõ ràng, tài xế xe “công nghệ” đã và đang thực hiện nghĩa vụ của những người lao động thực sự, nhưng lấy lý do họ chỉ là đối tác, các hãng xe “công nghệ” đã né tránh trách nhiệm với họ. Phải chăng, kinh doanh sản phẩm “công nghệ” thì được quyền bỏ qua trách nhiệm xã hội, bỏ qua những giá trị nhân văn? 

Thư Hùng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI