Hàng xách tay thành hàng bán sỉ

07/12/2019 - 06:30

PNO - Hàng xách tay, theo quy định chỉ được dùng cá nhân, không được bán, nhưng đã trở thành nghề buôn siêu lợi nhuận của nhiều người.

Mua gì cũng có

Từ lời giới thiệu, chúng tôi được chị Nga (41 tuổi, chuyên kinh doanh hàng xách tay) dẫn đến gặp nữ chủ hàng, được giới buôn hàng ví như đại lý cấp 1 hàng xách tay từ Mỹ, Úc, Pháp, Nhật, Đức… Bà chủ hàng khoảng 50 tuổi niềm nở dẫn chúng tôi vào căn phòng với đầy hàng hóa trên các quầy kệ, tủ kính, như kho hàng nhỏ. Từ hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) tới sô-cô-la, bánh kẹo, sữa, rượu... 

Theo lời bà chủ hàng, mùa này bánh kẹo, sữa, sô-cô-la, rượu... dễ bán vì nhu cầu tiêu dùng dịp cận tết. Chỉ cần mỗi sản phẩm (SP) lấy từ 10 cái trở lên, tổng đơn hàng khoảng trên 20 triệu đồng là được tính giá sỉ. Nếu mua bán với nhau, bất kỳ khi nào có hàng mới, bà sẽ cập nhật đầy đủ trên Zalo.  

Tranh thủ lúc vắng khách, bà chủ vừa cầm chai mỹ phẩm dưỡng da hiệu Victoria’s Secret chỉ vào con số ghi trọng lượng, giải thích: “Chỉ có hàng Mỹ chính gốc thì mới ghi ký hiệu trọng lượng bằng chữ “oz“, còn phần lớn là ghi “gr“. Em xem tuýp kem đánh răng, chai nước hoa hồng này cũng vậy, đúng gốc hàng Mỹ nên em yên tâm nhập về bán, chị bao hàng, bao giá”. 

Hàng xách tay còn được các đầu mối khai thác triệt để kênh bán qua Zalo, Facebook, website... Tuy nhiên, giá bán thì “trên trời”, cùng một chai nước hoa hồng hiệu Clinique nhưng có nơi bán 750.000 đồng, có nơi bán tới 1,2 triệu đồng. Hay, lọ TPCN Kangaroo essence for men loại 30 viên hiệu Nature’s Gold được một cửa hàng thuốc tây trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) bán giá 550.000 đồng/lọ 30, còn trên mạng rao bán chỉ 350.000 đồng/lọ. Nơi bán rẻ thì nói: “có người thân ở nước ngoài, canh giảm giá nhập số lượng nhiều nên bán giá rẻ”. Chỗ bán cao hơn thì mạnh miệng: “hàng chuẩn Mỹ không có giá rẻ vậy đâu, những nơi bán giá rẻ coi chừng là hàng nhái, giả, kém chất lượng...”.

Hang xach tay thanh hang ban si
Nhiều sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ em được quảng cáo hàng xách tay từ Mỹ, Đức nhưng người mua tù mù chất lượng

Nơi nào cũng quảng cáo hàng của mình là “chuẩn gốc, giá cạnh tranh” nhưng “tận mục sở thị” hàng hóa chất đầy ở các kho bán sỉ bám đầy bụi, nhiều SP bị rách, hỏng, hết hạn, thông tin nhòe nhoẹt không rõ ràng... Liệu có yên tâm được về nguồn gốc, chất lượng SP khi đặt hàng qua mạng? 

Hàng xách tay nhưng... tha hồ buôn

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hàng xách tay chỉ được dùng chứ không được bán. Các loại thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải công bố thông tin với cơ quan quản lý và phải có thương nhân đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng SP, có sự giám sát của cơ quan chuyên môn. 

Thực tế, nếu đúng là hàng xách tay từ nước ngoài có nguồn gốc rõ ràng thì không thể có số lượng nhiều để các đầu nậu rao bán ồ ạt như hiện nay. Bởi, số lượng hàng ít khi nhập qua cửa hải quan thì không bị kiểm tra, trích xuất hóa đơn, thuế vì SP dùng cho cá nhân. Đã từng có nhiều lô hàng xách tay bị lực lượng chức năng thu giữ, phát hiện chứa chất cấm gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, ông Phong khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hàng xách tay để tránh “tiền mất, tật mang”.

Theo chia sẻ của một số du học sinh hay những người hay đi công tác nước ngoài, để mua TPCN số lượng nhiều ở nước ngoài không dễ và càng không có giá rẻ như một số trang mạng, cửa hàng ở Việt Nam đang rao bán. Như ở Mỹ, quản lý TPCN rất chặt và được sự kiểm soát của Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc ở Mỹ (FDA). Những SP được FDA công nhận thường có giá rất đắt và không thể mua dễ dàng với số lượng lớn.

“Nếu có thể mua được số lượng lớn TPCN ở Mỹ thì đó là những SP trôi nổi không được FDA quản lý nên giá rẻ. Còn tôi muốn mua TPCN thì một lần chỉ mua được 3 SP và giá đắt đỏ. Một lọ viên dầu cá ở Mỹ bán 55 USD (hơn 1,3 triệu đồng) mà tại Việt Nam, nhiều nơi rao bán giá chỉ 500.000 - 700.000 đồng/lọ thì không biết hàng xách tay từ nguồn nào?”, anh Dũng (du học sinh tại Mỹ) so sánh. 

Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, lưu ý: khi mua mỹ phẩm, TPCN... người tiêu dùng cần quét mã vạch SP qua phần mềm quét mã vạch ứng dụng trên điện thoại thông minh để kiểm tra đúng SP chính hãng hay không. Khi quét mã vạch, các thông tin của SP sẽ hiện ra đầy đủ về nguồn gốc, đơn vị nhập khẩu, phân phối... Thông thường, SP chính hãng sẽ được dán tem chống hàng giả và từ đây cũng có thể truy xuất được nguồn gốc. n

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Joint Cure trên một số website với công dụng không đúng sự thật. Đây là TPCN nhưng đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. SP này được Công ty TNHH Efirst Asia Việt Nam (64 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) công bố và chịu trách nhiệm SP.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI