PNO - Trải qua hơn 60 năm, vượt qua thử thách thời gian và bao biến thiên lịch sử, hàng cây xà cừ trên quê hương Bác vẫn sừng sững vươn xanh, trở thành biểu tượng sinh thái cuốn hút du khách từ khắp nơi.
Trong những ngày tháng 5 này, khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) lại đón hàng vạn đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ấn tượng đầu tiên của du khách đến đây là hai hàng cây xà cừ cao sừng sững, tỏa bóng phủ kín cả tuyến đường tỉnh lộ 540, từ cổng vào làng Sen, xã Kim Liên - quê nội Bác Hồ. Thời điểm này xà cừ đang trổ hoa. Sắc hoa vàng dịu nhẹ, ẩn giữa vòm lá xanh rì làm vơi đi cái nắng bỏng rát nơi đây.
Theo lời kể của các cụ cao niên, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, sau lời kêu gọi Tết trồng cây của Bác Hồ khi Người về thăm quê, người dân xã Kim Liên đã cùng nhau trồng hàng trăm cây xà cừ trên các trục đường vào làng.
Trải qua gần 60 năm, vượt qua thử thách thời gian và bao biến thiên lịch sử, hàng cây xà cừ vẫn luôn xanh tốt.
Đến nay, nhiều cây xà cừ có đường kính lớn hơn 1,5m, phải hai người ôm mới xuể, có những cây cao 20-30m. Cây được chăm sóc thường xuyên, đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt nhất.
“Mỗi năm, trước mùa mưa bão, Ban quản lý khu di tích sẽ cắt tỉa cây để đảm bảo an toàn. Bởi thế, nhiều năm qua chưa có cây nào bị gãy đổ”, ông Nguyễn Quang Lộc - Chủ tịch UBND xã Kim Liên nói.
Theo ông Lộc, tuyến đường 540 trước đây vốn là đường đất, chỉ rộng hơn 3m. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, cũng như thuận lợi cho du khách đi lại khi đến với quê Bác, tuyến đường này được đầu tư mở rộng năm 2012.
“Thời điểm đó, tỉnh cho mở đường nhưng yêu cầu phải giữ bằng được hai hàng cây xà cừ hai bên đường. Đơn vị thi công đã phải giữ nguyên hiện trạng tuyến đường, mở thêm một làn bên cạnh thành ra đường nên bây giờ mới thành hình cong uốn lượn như vậy”, ông Lộc nói.
Ngoài tuyến tỉnh lộ 540, tại xã Kim Liên còn có khá nhiều cây xà cừ tuổi đời trên 50 năm. “Trước đây rất nhiều, đặc biệt là trên tuyến đường quốc lộ 46, nhưng sau khi mở đường thì hàng cây xà cừ này không giữ được. Lâu nay, vì không có không gian nên khi trồng mới cây, chúng tôi không thể trồng xà cừ mà thay thế bằng các loại cây khác”, ông Lộc cho biết.