Hàng Việt sẽ hưởng lợi từ kết quả bầu Tổng thống Mỹ

13/11/2024 - 07:33

PNO - Các chuyên gia, doanh nghiệp dự báo, dưới thời của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, hàng hóa của Việt Nam sẽ xuất khẩu vào thị trường Mỹ thuận lợi hơn trước.

Lạc quan về xuất hàng sang Mỹ

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết, doanh thu xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2024 dự báo đạt 44 tỉ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 40%. Do vậy, mỗi chính sách mới từ thị trường này đều có tác động rất lớn đến ngành dệt may của Việt Nam. Theo ông, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là có lợi hơn cho ngành này.

Ông phân tích, nhiều năm nay, mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ ổn định và việc ông Trump đắc cử là cơ hội để quan hệ thương mại 2 nước phát triển hơn, trong đó có sự chuyển dịch đầu tư của doanh nghiệp (DN) Mỹ từ các nước khác sang thị trường Việt Nam. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã chọn Việt Nam là nhà cung ứng bởi họ tin vào chất lượng, giá cả và khả năng giao hàng của DN Việt. Một số DN ngành dệt may hiện có đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ đến hết năm nay và cả quý I/2025. Chủ một số DN còn dự báo, nếu ông Trump áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến chủ các nhãn hàng chuyển sang đặt hàng gia công cho DN Việt Nam.

Công nhân Công ty cổ phần Kềm Nghĩa (TPHCM) đóng gói sản phẩm để xuất khẩu sang Mỹ - ẢNH: THANH HOA
Công nhân Công ty cổ phần Kềm Nghĩa (TPHCM) đóng gói sản phẩm để xuất khẩu sang Mỹ - Ảnh: Thanh Hoa

Các DN chế biến gỗ cũng có dự báo lạc quan. Ông Huỳnh Lê Đại Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Sơn (tỉnh Đồng Nai) - thông tin, thị trường Mỹ chiếm 50% tổng lượng hàng xuất khẩu của công ty này. Nếu ông Trump tiếp tục tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc như đã từng làm trong nhiệm kỳ Tổng thống 2017-2021, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tìm những nguồn cung có tính cạnh tranh hơn về giá và đây là cơ hội cho các DN Việt Nam. Nếu đúng như vậy, tỉ lệ hàng xuất khẩu của công ty vào Mỹ trong thời gian tới có thể tăng lên 70%.

Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon - cho biết, từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 11 lần nâng lãi suất USD để kìm lạm phát, kéo theo lãi suất cho vay ở Việt Nam tăng, tỉ giá USD và tiền đồng cũng tăng khiến DN Việt bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử, Fed đã cắt giảm lãi suất 0,25%, giá USD có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông nhận định: trong 2 năm qua, kinh tế khó khăn, đối tác Mỹ thường ký hợp đồng ngắn hạn, nay thấy chính sách tiền tệ nới lỏng, nền kinh tế có nhiều triển vọng hơn, họ đã ký hợp đồng dài hạn hơn. Đoàn các đối tác Mỹ vừa ký hợp đồng với công ty ông đến hết tháng 3/2025 nhưng khi ông Donald Trump đắc cử, họ ngỏ ý muốn gia hạn hợp đồng đến hết tháng 6/2025. Ông nói, công ty sẽ xây dựng lại kế hoạch sản xuất, xuất khẩu để đón đầu cơ hội mới.

Mừng nhưng cũng lo

Ông Phan Liên - Chủ tịch Câu lạc bộ DN Việt Nam (VEC) - thông tin, Chính phủ Việt Nam đã ký hợp tác toàn diện với Chính phủ Mỹ nên hàng hóa sẽ không bị áp thuế suất cao. Để đón đầu cơ hội xuất khẩu hàng vào Mỹ thuận lợi, các DN Việt Nam phải cố gắng hoàn thiện sản phẩm hơn nữa.

Ông cho rằng, điều đáng lo là “sức khỏe” của DN Việt vẫn chưa thật sự bền vững, vẫn thường gặp khó khăn về vốn và đơn hàng mới. Hiện chỉ có một số ngành như may mặc, bao bì, lương thực - thực phẩm có lượng đơn hàng tăng nhưng chỉ tăng nhẹ và không đồng đều. Các ngân hàng trong nước đều giảm lãi suất tiền gửi xuống thấp nhưng lãi vay vẫn cao so với khả năng kiếm lợi nhuận của DN, trong khi tài sản thế chấp thường bị đánh giá thấp nên DN khó vay được vốn.

Theo ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển sản xuất, thương mại Sài Gòn (SADACO) - vẫn cần quan sát thêm diễn biến của thị trường Mỹ. Để tiếp tục xuất khẩu hàng vào Mỹ, các DN cần tuân thủ chặt chẽ những quy định của thị trường, trong đó cần coi trọng vấn đề “xanh hóa” sản phẩm. Ông nói: “Không riêng Mỹ mà mọi thị trường đều đòi hỏi cao hơn về các tiêu chuẩn xanh, đòi hỏi các DN phải đáp ứng. Do vậy, DN phải minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, phải khai thác nguồn nguyên liệu theo cách không gây hại đến thiên nhiên, môi trường”.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam - cho hay, ngành rau quả đang nhập siêu từ Mỹ. Từ tháng 1 - 9/2024, Việt Nam nhập khẩu 304,8 triệu USD rau quả từ Mỹ (tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái), xuất khẩu sang Mỹ 254,2 triệu USD (tăng 34,6%). Do nhập siêu nên rau quả vẫn sẽ xuất sang Mỹ thuận lợi. Tuy vậy, các ngành hàng đang xuất siêu sang Mỹ sẽ có thể bị “soi” nhiều hơn bởi ở nhiệm kỳ trước, ông Donald Trump đã từng đặt vấn đề kéo giảm thâm hụt thương mại lên hàng đầu. “Việt Nam cần tránh để bị Chính phủ Mỹ xem là cửa ngõ đưa hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, từ đó bị áp mức thuế cao” - ông cảnh báo.

Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Mỹ ít bị những biến động chính trị tác động do nhu cầu của thị trường này vẫn rất lớn và chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện. Dù vậy, việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, về thuận lợi, Mỹ có thể giảm nhập khẩu thủy sản từ một số nước và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, Trung Quốc cũng có thể chuyển sang nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam để thay thế. Về thách thức, DN Việt sẽ phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Điều này buộc các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, kiểm định hàng. Do đó, các DN cần duy trì chất lượng sản phẩm ở mức cao, tăng cường chế biến sâu, áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) - khuyến cáo, Việt Nam cần lường trước tình huống các chủ đầu tư Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam để né thuế xuất khẩu vào Mỹ, khiến một số mặt hàng của Việt Nam xuất vào Mỹ bị vạ lây, phải chịu mức thuế cao. Khi bị đánh mức thuế cao, tính cạnh tranh của hàng Việt sẽ giảm khiến cơ hội xuất khẩu hàng sang Mỹ có thể rơi vào các nước có thế mạnh như Malaysia, Philippines, Ấn Độ…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty gỗ VAM Furniture - nhận định, nhiều khả năng ông Trump sẽ bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng hàng rào thuế quan, từ đó tạo ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước. Khi đó, giá cả hàng hóa sẽ bị tăng lên, nhu cầu tiêu dùng giảm, quy mô sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vậy, DN có mừng nhưng cũng có lo.

Việt Nam là đối tác hữu ích của Mỹ

Dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam có thể được xem là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ một số nước châu Á khác. Bởi lẽ, Mỹ chỉ có thể tập trung sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, không thể sản xuất sản phẩm ở nhiều lĩnh vực do nhân công khan hiếm, lương cao. Việt Nam có thể sản xuất những mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ muốn mua nhưng không tự sản xuất được ở Mỹ.

Theo Tổng cục Hải quan, giá trị thương mại Việt - Mỹ 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 111 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 98,5 tỉ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 12,3 tỉ USD, tăng 8,2%. Kết quả này khiến Việt Nam trở thành quốc gia có cán cân thương mại với Mỹ lớn thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico. Vào một thời điểm nào đó, sự mất cân bằng này sẽ trở thành vấn đề đối với chính quyền của ông Trump. May mắn là điều này có thể được giải quyết dễ dàng nếu phía Việt Nam mua các sản phẩm có giá trị cao như khí LNG và động cơ máy bay từ Mỹ.

Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Tập đoàn VinaCapital

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI