Hàng Việt Nam xuất khẩu, sau đó nhập khẩu gắn mác hàng nước ngoài

17/02/2023 - 11:10

PNO - Sáng 17/2, tại hội nghị lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, câu chuyện hàng Việt Nam xuất khẩu, sau đó nhập khẩu gắn mác hàng nước ngoài khiến doanh nghiệp trong nước đau lòng, mất thanh khoản lợi nhuận một lần nữa được nhiều đại biểu tâm tư, qua đó gửi gắm lãnh đạo quan tâm tháo gỡ.

Hội nghị do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì.

Hội nghị diễn ra sáng 17/2
Hội nghị diễn ra sáng 17/2

Cụ thể về thực trạng nói trên, tại hội nghị, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM thông tin rằng đối với nhiều quốc gia, cơ khí là ngành cơ bản phục vụ các lĩnh vực khác, là trái tim của nền kinh tế. Tuy nhiên, ở nước ta cơ khí chưa được đầu tư phát triển đúng yêu cầu.

Để duy trì hoạt động, theo ông Tống, các doanh nghiệp chủ yếu dựa trên… đam mê với nghề. Họ tự đầu tư phát triển từ mô hình nhỏ đi lên và không có nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM thông tin
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM thông tin thực trạng

“Doanh nghiệp trong ngành rất mong muốn được tham gia nhiều dự án, công trình lớn trên địa bàn như tuyến metro, đường sắt trên cao. Doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất những sản phẩm tương tự hàng ngoại nhập được các gói thầu sử dụng, thậm chí họ đã có thể xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài” - ông Tống cho biết và phân tích, đây là hàng hóa, sản phẩm “made in Vietnam", được làm bởi chính người Việt, trí tuệ Việt, sản xuất tại Việt Nam.

“Sản phẩm đảm bảo chất lượng nhưng các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn vẫn có tâm lý sử dụng hàng nước ngoài” - ông Tống nói.

Cũng theo ông Tống, còn có thực trạng là sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, xuất khẩu sang nước ngoài rồi lại đấu thầu, nhập khẩu về Việt Nam. Ông nhận định: “Có thể nói đây là nỗi đau của các doanh nghiệp Việt". Đơn cử, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài theo dạng đơn đặt hàng. Sau đó, sản phẩm này lại được đóng thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài và… nhập khẩu về trong nước.

Lại thêm một nghịch lý, là với các gói đầu tư công hoặc dự án lớn, khi nhập khẩu về, các đơn vị tại Việt Nam lại bên chịu trách nhiệm bảo hành.

Phản hồi thông tin này, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng khẳng định, đây là thực trạng xảy ra ở nhiều ngành nghề, như cao su. Ông đơn cử nhiều doanh nghiệp của thành phố có thể sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng không đủ điều kiện đứng ra nhận thầu. Sau đó, các đơn vị trúng thầu lại sử dụng sản phẩm của nước ngoài, thật ra là sản phẩm trong nước xuất khẩu.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhìn nhận: "Thương hiệu của mình chưa tạo dựng được, đó là điểm cần suy nghĩ”.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, các doanh nghiệp hiện đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, đối với vốn, nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn; sớm công bố chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng thương mại cân đối thực hiện, tôn trọng và giữ đúng cam kết giải ngân với khách hàng để tránh đưa doanh nghiệp vào tình trạng bất ngờ.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI