Hàng Việt đang phát triển theo đúng xu thế trên thế giới

27/06/2024 - 12:49

PNO - Hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu với chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, và ngày càng có sức hút với người tiêu dùng.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM cho biết tại hội thảo Thương hiệu - “Nội lực mềmcho doanh nghiệp Việt, do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn tổ chức sáng 27/6.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, hàng Việt tại thị trường trong nước hiện nay đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

hội thảo Thương hiệu - “Nội lực mềm” cho doanh nghiệp Việt
Hội thảo Thương hiệu - “Nội lực mềm” cho doanh nghiệp Việt

Cụ thể, hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu với nhiều chủng loại hàng hóa có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; từ đó tạo sức hút đặc biệt với người tiêu dùng.

“Trong nước, thương mại hiện đại và thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng Việt phát triển theo đúng xu thế trên thế giới. Những đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng góp quan trọng đối với năng lực cung ứng của hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đối với thị trường thế giới, hàng Việt cũng vượt khó và từng bước chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng, giá cả cạnh tranh”- ông Đức nhận xét.

Ngoài ra, ông Đức còn cho biết thêm, hàng Việt cũng đang dần theo hướng “xanh” rất mạnh mẽ, đồng thời tận dụng được những cơ hội mới, như các Hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, bên cạnh những điểm sáng tích cực trên, thì vẫn còn một thực tế rất buồn đang diễn ra từ nhiều năm nay. Đó là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu. Thống kê từ Bộ Công thương chỉ rõ, có đến 70 - 80% là xuất thô, giá trị gia tăng thấp.

Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hóa nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu...

Hiện đã có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần…

Để nâng cao năng lực cung ứng và vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và trên thế giới, ông Đức cho rằng, cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương. Hay như sản phẩm OCOP cũng cần được quy hoạch rõ ràng, phân bố hợp lý chứ không phải người người nhà nhà làm OCOP.

Bên cạnh đó, định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu. “Đặt câu hỏi cho người tiêu dùng: "Khi nghĩ đến Việt Nam, bạn sẽ nghĩ đến sản phẩm gì?", thì người tiêu dùng không nghĩ ra được sản phẩm nào mang tính nổi trội đặc trưng của Việt Nam. Do đó, phải đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”- ông Đức đề xuất.

Cùng với đó phải có sự thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI