Hàng Trung Quốc ồ ạt, thiên đường mua sắm Singapore cũng lao đao

01/09/2017 - 00:05

PNO - Các website như Alibaba, Taobao của Trung Quốc ráo riết đổ bộ buộc các trung tâm mua sắm hoành tráng tại Đảo quốc Sư tử phải chuyển sang bán đồ ăn, café …

Sau nhiều năm mua quần áo qua mạng, Olivia Chin đã mạnh dạn “mở rộng” diện sắm sửa của mình. Toàn bộ đồ đạc nội thất trong căn hộ mới của cô đều được mua từ Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.

“Tôi mua một chiếc bàn café, bàn ăn, ghế sofa, kệ TV, ghế quầy bar và đèn”, Olivia tiết lộ. Thay vì phải trả 2000 SGD (hơn 35 triệu đồng) cho một chiếc bàn ăn tại Singapore, cô gái 25 tuổi này dễ dàng tìm thấy mẫu mã y hệt trên Taobao với giá chỉ có 500 SGD. Chưa hết, tiền phí vận chuyển từ Trung Quốc sang Singapore chỉ có 2,99 SGD.

“Tôi cũng mua loạt ghế quầy bar với giá 10 SGD/cái, trong khi các cửa hàng ở đây đều đang bán không dưới 100 SGD”, Chan nhún vai.

Ban đầu, cô cũng có chút băn khoăn về chất lượng sản phẩm, song ý nghĩ đó nhanh chóng bị dẹp đi bởi mức giá quá hấp dẫn.

Hang Trung Quoc o at, thien duong mua sam Singapore cung lao dao
 

Chan không phải trường hợp cá biệt. Ngày càng có nhiều người dân Singapore mua sắm theo cách giống cô – thông qua chuột máy tính thay vì lê la trên những đôi giày cao gót.

Thương mại điện tử đã khiến nhiều trung tâm thương mại rơi vào cảnh hoang vắng, ế ẩm, nhiều gian hàng phải đóng cửa thanh lý – một thảm cảnh thực sự đối với một quốc gia được mệnh danh là Thiên đường mua sắm như Singapore.

Ngay cả những đợt siêu giảm giá Singapore thường niên (nhắm đến khách du lịch và đã được triển khai suốt 24 năm qua) cũng không tránh khỏi sự suy thoái khi doanh thu bán lẻ tuột dốc suốt 3 năm liên tiếp.

So với các quốc gia Đông Nam Á khác, Singapore là nước cảm nhận rõ nhất sức mạnh hủy diệt của thương mại điện tử. Các đại gia thương mại điện tử lớn nhất thế giới đều nhắm đến đảo quốc này, do vị trí cửa ngõ của Singapore đối với thị trường châu Á béo bở, cùng với sức mua mạnh mẽ của dân số sung túc.

Lazada và Taobao đang dần thay thế những thương hiệu của mọi nhà trước đây như Isetan hay Metro. Tháng trước, Amazon cũng đã đổ bộ xuống Singapore với dịch vụ Amazon Prime Now – giao hàng tới tận tay người nhận chỉ trong vòng 2 tiếng kể từ khi đặt hàng, hoàn toàn miễn phí.

Theo các chuyên gia, tình trạng chết dần chết mòn của bán lẻ truyền thống là không thể tránh khỏi khi giới tiêu dùng trẻ và sành công nghệ giờ đây đều mua sơ mi, giày và thậm chí cả miếng độn vai qua mạng.

Theo các chuyên gia, tình trạng chết dần chết mòn của bán lẻ truyền thống là không thể tránh khỏi khi giới tiêu dùng trẻ và sành công nghệ giờ đây đều mua sơ mi, giày và thậm chí cả miếng độn vai qua mạng.

Để tự cứu mình, các trung tâm thương mại lớn tại Singapore buộc phải xoay xở đủ chiêu để hạn chế tình trạng giá thuê rẻ đi và các cửa hàng đóng cửa ngày càng nhiều (diện tích được thuê để bán lẻ trong Q1/2017 tại Singapore đã giảm thêm 2,9%, lần giảm liên tiếp thứ 9 kể từ cuối năm 2014 trở lại đây).

Nhưng cũng không hẳn là người Singapore không đến các trung tâm thương mại nữa. Do nhiệt độ nóng, nhiều người vẫn thích tìm đến các trung tâm thương mại mát rượi như một thú tiêu khiển quen thuộc.

“Họ ăn, uống nhưng không mua gì cả”, quản lý một trung tâm mua sắm cho biết.

Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Các trung tâm mua sắm hàng đầu như Vivocity, Suntec vẫn đông nghịt người. Một phần lý do là vì họ thích ứng rất nhanh với tình hình mới. Thế chỗ cho các cửa hàng đóng cửa là những gian hàng concept: bán trải nghiệm thay vì hàng hóa như túi xách hay máy tính.

Hang Trung Quoc o at, thien duong mua sam Singapore cung lao dao
 

Lấy thí dụ, VivoCity sẽ khai trương một thư viện công cộng vào cuối năm tới. Suntec dựng lên một bức tường thể thao để khách hàng có thể tới và leo miễn phí.

Một chiến lược khác là đẩy mạnh kênh ẩm thực thay thế cho các cửa hàng thời trang, điện tử. Thường thì các gian hàng café, ăn uống luôn chiếm khoảng 20% tổng gian hàng của các trung tâm mua sắm, nhưng gần đây, tỷ lệ này đã tăng lên gần gấp đôi ở một số trung tâm.

Dù vậy, không nhiều người tin rằng thời tàn của các trung tâm thương mại đã tới.

“Mọi người vẫn thích cảm giác được mua hàng tại chỗ, sờ, ngắm món hàng. Hơn nữa, cũng không ai dám chắc người dùng sẽ có hành vi như thế nào khi mua sắm trực tiếp đạt đến độ bão hòa”, một chuyên gia của CBRE kết luận.

Phương Lâm (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI