Hàng Trung Quốc gắn mác hàng Nhật, Mỹ… dẹp không xuể

21/07/2022 - 06:26

PNO - Liên tục các vụ việc làm giả nhãn mác, bao bì… biến hàng trôi nổi thành sản phẩm Nhật, Hàn Quốc, Pháp… để đánh lừa người tiêu dùng bị phát hiện trong thời gian qua cho thấy tình trạng này chưa giảm.

 

Hơn 600 gói bột giặt giả nhãn hiệu Omo bị lực lượng chức năng thu giữ - ẢNH: QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG CUNG CẤP
Hơn 600 gói bột giặt giả nhãn hiệu Omo bị lực lượng chức năng thu giữ - ẢNH: QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG CUNG CẤP

Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phối hợp với lực lượng công an đã phát hiện một cơ sở gia công, phù phép hàng chục ngàn sản phẩm kính áp tròng Trung Quốc thành hàng Hàn Quốc. Trước đó, một cơ sở tại Hà Nội cũng bị bắt quả tang khi đang đóng gói, biến kẹo Trung Quốc được mua từ nguồn trôi nổi thành kẹo xuất xứ Nhật Bản. Trong tháng 6/2022, hai vụ sang chiết, đóng gói làm giả bột giặt Omo, bột ngọt Ajinomoto cũng bị lực lượng QLTT phát hiện ở Vĩnh Long và Long An, tạm giữ hàng trăm sản phẩm… Tình trạng hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng phổ biến nhất ở nhóm hàng mỹ phẩm.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc đối ngoại và truyền thông L’Oréal Việt Nam - cho biết: Các đối tượng làm hàng giả hiện nay không chỉ làm giả sản phẩm mà cả hình ảnh, trang bán hàng online. Họ sử dụng địa chỉ, số điện thoại và hình sản phẩm chính hãng để quảng cáo nhưng khi bán thì giao hàng giả cho khách. Các trang bán hàng giả liên tục khuyến mãi giảm giá 50 - 70% để thu hút người tiêu dùng, khiến các công ty bị làm giả gặp khó đủ đường.

“Chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp khách hàng mua phải sản phẩm giả trên một số trang mạng, sàn thương mại điện tử (TMĐT), khi gặp vấn đề về chất lượng đã không liên hệ được với bên bán. Việc xử lý hàng giả bán trên các sàn TMĐT hiện nay rất lỏng lẻo. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu một số sàn TMĐT tháo gỡ các gian hàng bán hàng giả nhưng các đơn vị chưa tích cực, xử lý rất chậm. Thậm chí cơ quan quản lý vừa dẹp gian hàng này thì hôm sau, gian hàng bán hàng giả khác lại mọc lên vì việc mở gian hàng online mới khá dễ dàng”, bà Trinh chia sẻ. 

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn - cho hay: Công ty phải liên tục đổi mới công nghệ chỉ để chống hàng giả, hàng nhái nhưng cũng không xuể. Tem CR là dấu chứng nhận hợp quy do Nhà nước ban hành dán trên sản phẩm cũng bị làm giả. Ông Tý cho rằng cần phải tăng cao mức chế tài thì mới răn đe được. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cần rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn hoặc có thời hạn đối với cửa hàng vi phạm. 

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh - nhận định: Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái có thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đây là cuộc chiến lâu dài, thường xuyên. Pháp luật phải tăng nặng hình thức phạt tiền, xử lý hình sự thì mới răn đe được. 

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn lưu ý về tình trạng đáng ngại hiện nay là làm nhái những nhãn hiệu nổi tiếng, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm. Các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam lâu nay thường được xử lý hành chính do các doanh nghiệp bị xâm hại ngại tốn kém thời gian, chi phí nên ngại kiện ra tòa trong khi trên thế giới, các vụ như vậy thường bị kiện ra tòa, người bị xâm hại sẽ bảo vệ tới cùng quyền SHTT của họ. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả công tác tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT qua mạng xã hội và các sàn TMĐT.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI