Hàng triệu người trên thế giới chết vì không có nước sạch

24/03/2023 - 19:11

PNO - Hôm 23/3, Liên hiệp quốc cảnh báo, tình trạng thiếu nước uống và cơ sở hạ tầng vệ sinh lành mạnh trên toàn thế giới đang rất nghiêm trọng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Một phụ nữ Ấn Độ đang nấu nướng, giặt giũ tại khu nhà ổ chuột
Một phụ nữ Ấn Độ đang nấu nướng, giặt giũ tại khu dân cư đông đúc

Theo thống kê từ các nước, hàng tỉ người trên thế giới không có đủ nước sạch hoặc cơ sở hạ tầng đảm  bảo vệ sinh giúp con người khỏe mạnh. Điều này đã khiến hàng triệu người chết vì thiếu nước sạch an toàn.

Tham dự hội nghị về nước của Liên hiệp quốc, kỹ sư Kaveh Madani - một kỹ sư về tài nguyên nước - đã kêu gọi thế giới “nói về nước và coi trọng nước” để đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu. “Có một số thống kê và kết quả đáng báo động và chúng ta phải nhìn vào đó để hành động” - Madani nói với các phóng viên tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Mỹ.

Theo tổng kết trên toàn cầu, hàng triệu người trên thế giới đã chết do thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản liên quan đến nước, con số tử vong do thiếu nước còn cao hơn cả lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác.

Tiến sĩ thủy văn học người Anh Charlotte McAlister cho biết: “Ngày càng có nhiều người chết vì thiếu nước, sau đó mới chết vì các thảm họa khí hậu nhẹ hơn... Việc thiếu nước an toàn sẽ khiến tình trạng này ngày càng tồi tệ hơn".

LHQ cho biết, gần 3/4 dân số thế giới không có nguồn nước an toàn. Trong đó, hơn 0,61 tỉ người (8%) đang bị thiếu nước nghiêm trọng.

Trong số những người không có nước sạch, 4,31 tỉ người sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 1,34 tỉ người ở châu Phi, 415 triệu người ở châu Mỹ và gần 66 triệu người ở châu Âu.

Theo LHQ, đại dịch COVID-19 và sự cố khí hậu (bão và lũ lụt cực đoan) đã làm tình trạng khan hiếm nước (hạn hán) ở nhiều quốc gia trầm trọng hơn và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng. Việc khan hiếm nước, đặc biệt là nước sạch, đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người, các hoạt động kinh tế cũng như làm mất an ninh lương thực. Trong đó, trẻ em gái và phụ nữ không thể đi học hoặc đi làm khi phải dành hàng giờ để đi lấy nước mỗi ngày. Do thiếu nước, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em hay béo phì ở người lớn không được giải quyết khi họ không được tiếp cận với nguồn nước sạch, an toàn và giá cả phải chăng.

Thảo Nguyễn (theo AP)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI