Hàng triệu người quay cuồng vì nắng nóng cực độ

21/06/2024 - 07:04

PNO - Những đợt nắng nóng chết người đang thiêu đốt các thành phố trên 4 lục địa, khi Bắc bán cầu bước vào mùa hè.

Đây được xem là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu một lần nữa góp phần tạo ra sức nóng kỷ lục, có thể vượt qua mùa hè năm 2023 để trở thành mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm qua.

Hàng ngàn người tử vong, hàng triệu người bị ảnh hưởng

Nhiệt độ kỷ lục trong những ngày gần đây được cho là nguyên nhân gây ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cái chết trên khắp châu Á và châu Âu.

Tại Ả Rập Saudi, gần 2 triệu người đã tham gia lễ hành hương, tại Đại thánh đường Hồi giáo ở Mecca trong tuần này. Theo Reuters, trong số đó đã có ít nhất 922 người thiệt mạng vì di chuyển trong tiết trời khắc nghiệt trên 51oC.

New Delhi đã trải qua 38 ngày liên tiếp nhiệt độ tối đa bằng hoặc trên 40 độ C kể từ ngày 14/5 - Ảnh: reuters
New Delhi đã trải qua 38 ngày liên tiếp nhiệt độ tối đa bằng hoặc trên 40oC ,kể từ ngày 14/5 - Ảnh: Reuters

Các quốc gia xung quanh Địa Trung Hải cũng phải hứng chịu thêm 1 tuần nhiệt độ cao khủng khiếp, khiến cháy rừng lan rộng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria.

Tại Serbia, các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ sẽ tăng lên khoảng 40oC, do gió nóng từ Bắc Phi đang thổi đến. Cơ quan y tế đã ban bố cảnh báo thời tiết đỏ, và khuyên người dân không nên mạo hiểm ra ngoài.

Dịch vụ cấp cứu còn chia sẻ các bác sĩ của họ đã can thiệp 109 lần chỉ trong 1 đêm, để điều trị cho những người mắc bệnh tim và bệnh mãn tính, vì nhiệt độ nắng nóng.

Châu Âu năm nay cũng chứng kiến hàng loạt du khách thiệt mạng và mất tích trong bối cảnh nắng nóng nguy hiểm. Một người Mỹ 55 tuổi được tìm thấy đã chết trên đảo Mathraki của Hy Lạp vào ngày 17/6. Đây là cái chết của du khách thứ 3 chỉ trong 1 tuần.

Một vùng rộng lớn ở miền đông Hoa Kỳ cũng đang héo rũ trong ngày thứ tư liên tiếp dưới ảnh hưởng của vòm nhiệt. Vòm nhiệt là hiện tượng đợt nóng xuất hiện khi một vùng áp suất cao kéo dài, hình thành phía trên khu vực nhất định và không di chuyển trong vòng một tuần trở lên.

Để đối phó với cái nóng gay gắt, thành phố New York đang mở các khu vực làm mát khẩn cấp trong thư viện, trung tâm dành người cao tuổi và các cơ sở khác. Trong khi các trường học của thành phố vẫn hoạt động bình thường, thì một số quận ở vùng ngoại ô xung quanh đã cho học sinh về nhà sớm để tránh nắng nóng.

Cơ quan khí tượng cũng đưa ra cảnh báo nắng nóng nguy hiểm đối với các khu vực thuộc bang Arizona của Mỹ, trong đó có Phoenix, với nhiệt độ đo được trong ngày 20/6 lên tới 45,5oC.

Những đợt nắng nóng chết người đang thiêu đốt các thành phố trên bốn châu lục khi Bắc bán cầu - Ảnh: Reuters
Những đợt nắng nóng chết người đang thiêu đốt các thành phố trên 4 châu lục ở Bắc bán cầu - Ảnh: Reuters

Theo nhà chức trách, tại bang New Mexico đã báo cáo 2 đám cháy rừng lan nhanh giết chết 2 người, thiêu rụi hàng chục ngàn héc ta và phá hủy 500 ngôi nhà.

Hiện, gần 100 triệu người Mỹ đang được tư vấn, theo dõi và cảnh báo về nhiệt độ cực cao. Dịch vụ thời tiết cho biết nhiệt độ khắc nghiệt sẽ bắt đầu giảm ở New England vào hôm nay, 21/6, nhưng New York và các bang giáp Đại Tây Dương sẽ tiếp tục chịu đựng cái nóng kỷ lục vào cuối tuần.

Những đợt nóng kỷ lục kéo dài

Mùa hè ở Ấn Độ thường kéo dài từ tháng 3 - 5, khi gió mùa bắt đầu quét qua đất nước và xua tan cái nóng. Tuy nhiên đến hiện tại, quốc gia Nam Á vẫn đang chứng kiến những đợt nắng nóng khắc nghiệt.

Theo dữ liệu của cơ quan thời tiết, New Delhi đã trải qua 38 ngày liên tiếp với nhiệt độ tối đa bằng hoặc trên 40oC, kể từ ngày 14/5.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, tính đến hết ngày 19/6 đã có hơn 40.000 trường hợp nghi ngờ say nắng. Đồng thời, Bộ cũng báo cáo ít nhất 110 trường hợp tử vong được xác nhận trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 18/6.

Tại Serbia, các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ sẽ vào khoảng 40 độ C trong tuần này - Ảnh: Reuters
Tại Serbia, các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ sẽ tăng lên khoảng 40oC trong tuần này - Ảnh: Reuters

Nhiệt độ thường giảm vào ban đêm nhưng các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang khiến nhiệt độ ban đêm tăng lên. Theo một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Exeter, ở nhiều nơi trên thế giới, ban đêm đang ấm lên nhanh hơn ngày.

Theo cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu, các đợt nắng nóng đang xảy ra trong bối cảnh 12 tháng liên tiếp được xếp hạng là nóng kỷ lục so với các năm trước.

Khi nhiệt độ toàn cầu nói chung đã tăng gần 1,3oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, điều này cũng khiến các đợt nắng nóng trở nên phổ biến, dữ dội và kéo dài hơn.

Các nhà khoa học dự báo các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng nếu thế giới tiếp tục thải khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2oC, các đợt nắng nóng trung bình sẽ xảy ra 5,6 lần trong 10 năm và nóng hơn 2,6oC.

Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI