Hàng triệu người Hàn Quốc sẽ có thể “trẻ thêm” 2 tuổi

30/04/2022 - 14:35

PNO - Hàn Quốc có 3 cách tính tuổi, thường cộng thêm 1 hoặc 2 tuổi vào số tuổi được tính theo tiêu chuẩn quốc tế và Tổng thống vừa đắc cử của nước này muốn thay đổi điều đó.

Khi Lee Jae-hye đến Mỹ, tuổi của cô là 30. Nhưng khi quay lại Hàn Quốc, cô được xem là đã 32 tuổi.

Người Hàn Quốc có 3 cách tính tuổi và thường cộng thêm 1 hoặc 2 tuổi vào số tuổi được tính theo tiêu chuẩn quốc tế
Người Hàn Quốc có đến tận 3 cách tính tuổi

“Điều này thật rắc rối”, Lee - một nhà sản xuất video ở thủ đô Seoul, người thường xuyên đi lại giữa hai nước - chia sẻ.

Theo The New York Times, sở dĩ có chuyện này là vì Hàn Quốc tính tuổi của người dân theo 3 cách, và thường cộng thêm 1 hoặc 2 tuổi vào số tuổi được tính theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này có thể dẫn đến các tình huống gây rắc rối, bởi tuổi tác là cơ sở quan trọng để phân biệt vai vế và chọn cách xưng hô phù hợp trong giao tiếp xã hội, đồng thời là căn cứ pháp lý để xác định một số quyền và nghĩa vụ của công dân, như quy định độ tuổi được bầu cử hoặc kết hôn.

Nhưng không bao lâu nữa, gần 52 triệu người Hàn Quốc sẽ có thể được giảm tới 2 năm tuổi (trên giấy tờ), nếu Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol giữ lời hứa trong quá trình tranh cử về việc hủy bỏ nguyên tắc tính tuổi “độc nhất vô nhị” trên thế giới của quốc gia này. Ông Yoon, người dự kiến sẽ nhậm chức vào tháng 5 tới, hy vọng sẽ làm được điều này bằng cách thay đổi bộ luật dân sự của Hàn Quốc vào cuối năm sau.

“Sự thay đổi này sẽ giúp giảm bớt sự nhầm lẫn và tạo điều kiện thuận lợi trong giao tiếp xã hội, ở trong nước cũng như quốc tế. Điều này cũng sẽ giúp loại bỏ các chi phí xã hội và kinh tế không cần thiết”, ông Lee Yong-ho - một thành viên trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Yoon - cho biết.

Theo Giáo sư Yoon In-jin, một chuyên gia xã hội học đô thị tại Đại học Hàn Quốc, rất khó xác định chính xác nguồn gốc của cách tính tuổi ở Hàn Quốc và có thể việc này xuất phát từ những niềm tin lâu đời.

Theo cách tính tuổi đầu tiên và được sử dụng rộng rãi nhất - thường được gọi đơn giản là “tuổi Hàn Quốc” - một người khi mới sinh ra đã được tính 1 tuổi (theo kiểu Việt Nam tính "tuổi mụ"), sau đó sẽ được cộng thêm 1 tuổi vào ngày 1/1.

Nguyên tắc này vẫn được áp dụng ngay cả khi trẻ được sinh ra vào ngày 31/12. Như vậy, một người sinh vào ngày 31/12 thì qua ngày 1/1 sẽ được xem như đã 2 tuổi. Nói cách khác, năm sinh, chứ không phải ngày sinh, là căn cứ xác định tuổi của một người. Phương pháp này được công nhận phổ biến nhất trong các tình huống giao tiếp xã hội.

Phương pháp thứ 2 là cách mà tất cả các nước khác trên thế giới đang sử dụng: bắt đầu đếm từ số 0 khi mới sinh và thêm 1 tuổi vào sinh nhật hàng năm. Từ năm 1962, cách tính này đã được áp dụng tại Hàn Quốc cho hầu hết các mục đích quan trọng và mang tính pháp lý.

Phương pháp thứ 3 và ít phổ biến nhất, được gọi là “tuổi theo năm”. Phương pháp này cũng giống như hệ thống quốc tế, theo đó tuổi của một người được tính bắt đầu từ số 0 khi mới sinh ra, nhưng được cộng thêm 1 tuổi vào ngày 1/1 hàng năm. So với phương pháp đầu tiên, thì trẻ sinh ra vào ngày 31/12 chỉ sẽ được 1 tuổi vào ngày 1/1. Phương pháp này áp dụng trong một số luật ở Hàn Quốc như Luật Nghĩa vụ quân sự (quy định độ tuổi bắt buộc nhập ngũ) và Luật Giáo dục tiểu học và trung học (quy định độ tuổi trẻ em có thể bắt đầu đi học).

Chủ trương thay đổi cách tính tuổi của ông Yoon đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng. Trong một cuộc khảo sát do công ty thăm dò ý kiến ​​Hankook Research thực hiện, công bố vào tháng 1/2022, 7/10 người lớn cho biết ủng hộ việc loại bỏ cách tính tuổi theo cách riêng của Hàn Quốc, 40% cho biết sự thay đổi này sẽ giảm bớt xung đột trong hệ thống phân cấp xã hội của đất nước. Ngoài ra, 53% nói rằng việc này sẽ giúp giảm thiểu sự nhầm lẫn trong các thủ tục hành chính và pháp lý.

Nhất Nguyên (theo The New York Times).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI