Hàng triệu học sinh châu Á bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu

15/05/2024 - 06:00

PNO - Những cơn mưa (dù chưa nhiều) xuất hiện thời gian gần đây đã mang lại sự nhẹ nhõm cho người dân một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo: vấn đề lớn hơn vẫn còn tồn tại và nhiều quốc gia chưa chuẩn bị kỹ để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đối với việc học tập.

Nắng nóng cực độ đã khiến chính phủ các nước Philippines và Bangladesh  phải đóng cửa nhiều trường học vào tháng trước - Nguồn ảnh: AFP
Nắng nóng cực độ đã khiến chính phủ các nước Philippines và Bangladesh phải đóng cửa nhiều trường học vào tháng trước - Nguồn ảnh: AFP

Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình trên toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang tạo ra những đợt nắng nóng thường xuyên hơn, dài hơn và dữ dội hơn.

“Nhiệt độ cao không phải là vấn đề duy nhất. Bầu không khí ấm hơn giữ nhiều độ ẩm hơn, có thể dẫn đến mưa lớn và lũ lụt. Điều này có thể gây hư hại trường học hoặc khiến các học sinh không thể tiếp cận giáo dục. Thực tế cho thấy, thời tiết nắng nóng cũng có thể gây ra cháy rừng và ô nhiễm không khí gia tăng, khiến trường học phải đóng cửa. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã trở thành hiện thực đối với trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương” - Cơ quan trẻ em Liên hiệp quốc UNICEF cảnh báo.

Mohua Akter Nur - 13 tuổi, ở thủ đô Dhaka của Bangladesh - cho biết trường học đóng cửa và em chỉ có thể ở nhà. Điện bị cúp liên tục nên em không thể mở quạt để làm mát. “Nóng không thể chịu nổi. Trường học đã đóng cửa nhưng em cũng không thể học ở nhà vì quá nóng” - cô bé cho biết.

Shumon Sengupta - Giám đốc quốc gia của tổ chức phi chính phủ Save the Children - cho biết: tháng Tư đánh dấu tháng thứ 11 liên tiếp có nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục và xu hướng này thể hiện rất rõ ở Bangladesh. “Không chỉ nhiệt độ cao hơn mà thời gian nhiệt cao còn kéo dài hơn nhiều. Trước đây, rất ít khu vực từng xảy ra những đợt nắng nóng như thế này. Giờ đây nóng ở khắp nơi” - ông cho biết.

Về tổng thể, các trường học trên khắp châu Á không được trang bị để đối phó với hậu quả ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Sengupta cho biết các trường học ở thành thị của Bangladesh thường quá đông đúc và thiếu hệ thống thông gió. Trong khi ở nông thôn, mái tôn có thể biến lớp học giống như lò nướng, nguồn điện thì không đảm bảo.

Salwa Aleryani - chuyên gia y tế của UNICEF tại Đông Á và Thái Bình Dương - cho biết: việc đóng cửa trường học sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em từ các cộng đồng nghèo hơn, dễ bị tổn thương, không được tiếp cận với máy tính, internet và sách. “Việc đóng cửa trường học thậm chí khiến trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, bị tảo hôn và thậm chí đẩy nạn buôn người gia tăng” - Shumon Sengupta nói.

Nghiên cứu của UNICEF cho thấy tình trạng thiếu lương thực do nhiệt độ tăng cao và mưa khó lường đã khiến nhiều gia đình phải cho con nghỉ học để đi làm hoặc vì họ không còn đủ khả năng chi trả học phí.

Ông Sengupta nói, các nước đang phát triển trong khu vực cần được giúp đỡ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng giải pháp thực sự duy nhất cho cuộc khủng hoảng nằm ở việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ: biến đổi khí hậu. “Điều rất quan trọng đối với chính phủ và các nhà hoạch định chính sách là phải thực sự thức tỉnh về vấn đề này. Người lớn đang gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng trẻ em lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất” - ông nói.

Lệ Chi (theo Japan Times, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI