Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), trên toàn cầu, có khoảng 650 triệu phụ nữ và trẻ em gái bị cưỡng ép kết hôn, 200 triệu phụ nữ bị cắt âm vật. Dưới ảnh hưởng đại dịch, những con số này đang tăng nhanh hơn. Làm gì để chung tay xóa sổ hủ tục và bảo vệ quyền phụ nữ? Hãy lắng nghe câu chuyện đấu tranh của phụ nữ trên toàn cầu.
|
Hủ tục lạc hậu nhắm vào các góa phụ ở những quốc gia Tây Phi đến nay vẫn là đề tài tranh cãi dữ dội, gây nên vô số hệ quả bi thương - Ảnh minh họa: AP |
Bị ngược đãi thể xác lẫn tinh thần, bị xâm hại tình dục, phải chịu đựng đủ loại hành vi phân biệt đối xử, thậm chí bị trục xuất khỏi quê nhà, rất nhiều phụ nữ mất chồng tại Nigeria cũng mất cả quyền được đối xử nhân đạo, công bằng. Hủ tục lạc hậu nhắm vào các góa phụ ở quốc gia Tây Phi đến nay vẫn là đề tài tranh cãi dữ dội, gây nên vô số hệ quả bi thương.
Giữa tháng Năm vừa qua, tòa án bang Anambra (đông nam Nigeria) thụ lý 1 vụ án gây xôn xao dư luận địa phương. 1 phụ nữ bị anh chồng cưỡng ép uống nước thải từ nghi thức tắm gội thi thể người cháu trai vừa qua đời nhằm “chứng minh cô không phải thủ phạm gây ra cái chết”. Dẫu bị cáo buộc 5 tội danh, người đàn ông đó một mực cho rằng mình không phạm pháp, mà đơn giản đang “tuân theo một tục lệ truyền thống”. Cũng dựa trên cơ sở truyền thống, thẩm phán cho phép bị cáo nộp tiền bảo lãnh.
Cái cớ độc hại để xâm phạm nhân quyền
Patricia Eligbue - người phụ nữ trong vụ việc - tiết lộ chồng cô qua đời từ lâu. Thế nhưng đến nay, cô vẫn liên tục chịu đựng đủ mọi hành vi lạm dụng, đánh đập và thóa mạ từ phía gia đình chồng. Các anh em chồng từng tấn công Patricia và người con duy nhất của cô vì cho rằng cả hai mang vận xui cho họ. Patricia bị ép buộc bước qua xác chết, uống nước thải sau khi tắm gội cái xác. Mặc dù công tố viên phụ trách vụ án đã bắt tạm giam các cá nhân lợi dụng hủ tục để nhục mạ người khác cũng như đưa ra cảnh cáo đến toàn thể cộng đồng, câu chuyện về những phụ nữ yếu thế như Patricia vẫn âm thầm tiếp diễn mỗi ngày ở Nigeria.
Trên toàn cầu hiện có khoảng 258 triệu góa phụ, 15 triệu người trong số này sống tại Nigeria. Ở quốc gia với 3 dân tộc chính và hơn 250 dân tộc thiểu số, nét đa dạng về văn hóa tín ngưỡng đôi lúc ẩn chứa không ít vấn đề phức tạp. Trong những xã hội gia trưởng truyền thống như Nigeria, khi đàn ông nắm quyền thừa kế gia sản - chi phối nhiều lĩnh vực đời sống, nữ giới được kỳ vọng phải luôn cư xử nhu thuận. Việc trở thành góa phụ có thể khiến phụ nữ rơi vào tình cảnh vô cùng thiệt thòi. Thời nay, nhiều góa phụ vẫn tiếp tục là nạn nhân của những hủ tục phi nhân đạo.
Nhà nghiên cứu - giảng viên Blessing Onyima công tác trong ngành nhân học và xã hội học, đại học Nnamdi Azikiwe (bang Anambra) - nhận định: “Trong một số nền văn hóa bản địa, việc mất chồng khiến phụ nữ Nigeria bị xem là không còn trong sạch và cần được gột rửa bằng nghi lễ. Không ít trường hợp bị giam cầm, giới hạn đi lại, ép ăn thức ăn bẩn, ngủ dưới sàn nhà, không được tắm gội hay làm việc trong suốt giai đoạn tang lễ thường kéo dài liên tục”.
Đánh mất hy vọng
Theo Onyima, hủ tục độc hại nhắm vào góa phụ “đã hoàn toàn xem nhẹ tâm lý, sức khỏe lẫn quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em”.
Trong quá khứ, một số cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng lệch lạc đến mức ghê rợn.
Góa phụ, nếu bị đổ tội giết chồng (thường bằng những cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ), phải uống hoặc tắm bằng nước thải đã dùng để tắm rửa xác chết của chồng. Đáng sợ hơn còn có hành vi “thừa kế góa phụ” - phụ nữ bị cưỡng ép phải cưới anh/em hoặc họ hàng của người chồng vừa mất. Vài người thậm chí bị cưỡng bức quan hệ tình dục với tử thi.
|
Tư duy kỳ thị góa phụ khiến Alice Ibitoye bị gia đình chồng thẳng thừng ruồng bỏ - Ảnh: Aljazeera |
Alice Ibitoye - sống tại Ibadan (tây nam Nigeria), hiểu rõ nỗi bất công phụ nữ mất chồng phải chịu đựng. Năm 2006, chồng cô qua đời đột ngột do tai nạn lao động. Theo truyền thống, gia đình chồng buộc cô cạo đầu, sống cách ly trong nhà suốt 41 ngày. “Nếu từ chối làm những việc đó, bạn sẽ bị gán tội giết chồng và bị đối đãi còn tệ hơn. Phụ nữ không được quyền rời nhà, không được quyền trông tươi tắn khi chồng vừa mất” - Alice nói.
Sức ép hủ tục càng thêm nặng nề khi cô mắc chứng viêm tủy xương, với 2 đứa con cần nuôi dưỡng nhưng không được nhận bất kỳ hỗ trợ nào từ nhà chồng. Họ thậm chí còn đe dọa cướp quyền nuôi con của Alice. Khoảng thời gian bị cô lập để chịu tang, không thể làm việc kiếm sống lẫn ở bên các con, với người phụ nữ nghèo tứ cố vô thân như Alice không khác rơi vào địa ngục.
|
Giới hoạt động nhân quyền biểu tình ở bang Anambra trước lo ngại về hành vi lợi dụng hủ tục để xâm phạm quyền lợi phụ nữ - Ảnh: Radio Nigeria Enugu |
Thành lập tổ chức chuyên chăm sóc góa phụ
Tựa giọt nước tràn ly, vụ án mới đây của Patricia tại thành phố cảng Atani, (khu vực Ogbaru, miền trung bang Anambra) tạo nên làn sóng phẫn nộ. Một nhóm nhà hoạt động vì nữ quyền đã tổ chức biểu tình ôn hòa ở thủ phủ Awka. Trước mặt tiền tòa án chuyên thụ lý các vụ bạo lực trẻ em và bất bình đẳng giới, họ giương cao biểu ngữ kêu gọi: “Để góa phụ được sống bình yên”, “Loại bỏ hủ tục độc hại nhắm vào góa phụ”...
Cũng trong khu vực Ogbaru, một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội xuất hiện gần đây ghi lại cảnh tượng rùng rợn: một đoàn người hóa trang do một nhóm nam giới dẫn dắt vừa đi vừa lôi kéo một phụ nữ ra khỏi mảnh đất nơi cô sống. Nạn nhân - một góa phụ tên Nneka - bị buộc tội đầu độc bằng thức ăn. Thế nhưng những dân làng trong video không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho lời cáo buộc. Nneka té ngã vì kiệt sức và bị bỏ mặc giữa đường. Trước khi rời đi, đoàn người vẫn liên tục buông lời nhục mạ cô.
Tương tự, tại Enugu (1 bang miền nam khác của Nigeria), góa phụ Deborah đã bị công khai lăng nhục nhiều năm liền. Sau khi chồng cô qua đời vào năm 2017, các thành viên trong gia đình chồng tìm mọi cách để đuổi cô và các con khỏi nhà riêng.
Lolo Eucharia Eze - Giám đốc điều hành Tổ chức chuyên Chăm sóc phúc lợi các góa phụ tọa lạc tại bang Enugu - cho biết: “Chúng tôi đã tiếp xúc với hàng loạt góa phụ bị xâm hại tình dục, xâm phạm nhân quyền. Vài năm qua, các trường hợp trầm trọng bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không ngừng khuyến khích phụ nữ tố giác các hành vi trái pháp luật. Góa phụ có thể liên hệ các đoàn thể phúc lợi, dịch vụ tư vấn pháp lý nơi họ sống để được trợ giúp, bảo vệ”.
Nhìn toàn cảnh, nhà nghiên cứu Onyima nhận thấy vẫn chưa thể lạc quan: “Chừng nào Nigeria vẫn cố thủ bên trong thành trì mang tên hủ tục, nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục đứng trước nguy cơ bị ngược đãi nhân quyền. Mọi hành vi bạo lực, phân biệt giới tính đối với phụ nữ núp bóng danh nghĩa phong tục truyền thống phải bị cấm triệt để. Nhưng, muốn tìm lại công bằng đúng nghĩa cho nữ giới, Nigeria cần cải thiện lối tư duy mất cân bằng về 2 giới. Toàn bộ công cụ pháp lý giúp bảo vệ quyền lợi cho góa phụ nên được tăng cường thực thi”.
Như Ý