Hàng trăm triệu người chịu đói vì đại dịch COVID-19, chiến tranh và biến đổi khí hậu

06/05/2021 - 11:15

PNO - Theo báo cáo mới được công bố hôm 5/5, đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu đang làm dấy lên quan ngại về một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, vốn đã lên đến mức báo động cao nhất trong năm 2020, tính theo giai đoạn 5 năm trở lại đây, sẽ càng trở nên trầm trọng hơn trong năm tới.

Báo cáo của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Lương nông (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cho biết, trong năm 2020, 155 triệu người ở 55 quốc gia đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, nhiều hơn 20 triệu so với năm 2019, và tình hình này sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Người dân nhận lương thực miễn phí ở thành phố Quezon, ngoại ô Manila, Philippines - Ảnh: AFP
Người dân nhận lương thực miễn phí ở thành phố Quezon, ngoại ô Manila, Philippines - Ảnh: AFP

“Chúng ta phải cùng nhau hành động để tình hình này không chuyển biến theo hướng xấu hơn”, Tổng giám đốc FAO – Qu Dongyu phát biểu tại một hội nghị trực tuyến và cho biết Báo cáo mới về Khủng hoảng lương thực toàn cầu đã kêu gọi các nước cần có “hành động nhân đạo khẩn cấp”.

“Chúng ta phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và làm cho các hệ thống cung cấp nông sản, thực phẩm trên thế giới hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn, với độ bao phủ rộng lớn hơn”, ông Qu nói thêm trong một bài đăng trên Twitter.

Năm ngoái, Mạng lưới Chống khủng hoảng lương thực toàn cầu, được thành lập ba tổ chức quốc tế nói trên, đã ghi nhận khoảng 28 triệu người ở 28 quốc gia đang chịu nạn đói ở mức độ khẩn cấp, trong đó Congo, Yemen và Afghanistan là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thêm vào đó, có 133.000 người được cho là đang phải sống trong giai đoạn nghiêm trọng và “thảm khốc” nhất của tình trạng thiếu lương thực ở Burkina Faso, Nam Sudan và Yemen.

Châu Phi vẫn là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu lương thực với 98 triệu người bị nạn đói, chiếm 63% số người chịu nạn đói trên toàn cầu và tăng từ tỷ lệ 54% trong năm 2019.

“Nguyên nhân chính khiến 100 triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong năm 2020, so 77 triệu người của năm 2019, là xung đột và mất an ninh lương thực”, Dominique Burgeon, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của FAO, chia sẻ với AFP và cho biết thêm, khủng hoảng kinh tế cũng là lý do chính khiến 40 triệu người bị nạn đói trong năm ngoái, so với 24 triệu người trong năm 2019.

Châu Phi vẫn là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu lương thực
Châu Phi vẫn là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu lương thực - Ảnh: AFP

Ngoài ra, theo Burgeon, đại dịch COVID-19 và các vấn đề khí hậu đã làm cho nạn đói càng thêm trầm trọng ở những quốc gia “dễ bị tổn thương”, nhất là  Sudan, Zimbabwe và Haiti, với số người bị hưởng lên đến khoảng 15 triệu.

Với tình hình nhiều nước trên thế giới vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Burgeon nhận định rằng khủng hoảng an ninh lương thực sẽ có thể càng trầm trọng thêm trong năm tới đối với các nền kinh tế vốn đã rất “mong manh”. Theo đó, Burgeon ước tính sẽ có khoảng 142 triệu người ở 40 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Và với dân số toàn cầu dự kiến sẽ chạm con số 8,5 tỷ người vào năm 2030, báo cáo kết luận rằng đại dịch COVID-19 càng làm tăng thêm tính bức thiết của việc phân phối lương thực, thực phẩm sao cho đồng đều hơn để đáp ứng nhu cầu của số lượng nhân khẩu đang tăng mạnh này.

Nhất Nguyên (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI