Mới đây, trong thư ngỏ có đóng dấu của Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn – ông Phạm Văn Vương nêu những khó khăn của người trồng tỏi hiện nay tại Lý Sơn - nơi được mệnh danh là “vương quốc tỏi” nhưng nông dân đang phải đối mặt với giá tỏi rớt thảm hại. Đồng thời, nạn làm giả thương hiệu tỏi tràn lan đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu đặc sản này.
Sáng 3/11, trao đổi với Báo Phụ Nữ, ông Phạm Văn Vương đã xác nhận thông tin về thư ngỏ. Ông Vương cho biết, vùng Lý Sơn có khoảng 326,5 ha diện tích đất trồng hành, tỏi của 3884 hộ dân tham gia sản xuất. Ngoài ra, với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, tỏi tại vùng đất Lý Sơn có chất lượng vượt trội, thơm ngon nên nhanh chóng được mệnh danh là “vương quốc tỏi”.
|
Giá tỏi thấp nhất trong 4 năm qua, nông dân trồng tỏi Lý Sơn lao đao |
Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn, gần đây, một số thương lái vì lợi nhuận đã vận chuyển tỏi từ nơi khác về đội lốt tỏi Lý Sơn để bán ra, dẫn đến giá tỏi trồng tại đảo giảm mạnh. Qua thống kê, tỏi Lý Sơn hiện tồn đọng trong dân ước khoảng 280 tấn.
“Ban thường vụ Huyện đoàn Lý Sơn kính mong các quý vị quan tâm, hỗ trợ, kêu gọi Đoàn viên thanh niên và người dân tại địa phương, đơn vị mình tiêu thụ giúp người nông dân với giá khoảng 60.000 đồng/kg”, trích nội dung thư ngỏ. Đồng thời, đại diện Huyện đoàn Lý Sơn cũng cam kết đảm bảo đúng nguồn gốc tỏi Lý Sơn, chất lượng và gắn nhãn mác đúng quy định.
Được biết, giá tỏi Lý Sơn hiện bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg, loại củ đẹp và đều; còn loại xấu thì rẻ hơn, từ 34-36.000 đồng/kg. Sau thư ngỏ của Huyện đoàn Lý Sơn, lượng tỏi trong dân đã tiêu thụ được khoảng hơn 35 tấn, hiện vẫn đang còn tồn động khoảng 250 tấn.
|
Thông tin kêu gọi "giải cứu" tỏi Lý Sơn giúp bà con nông dân được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội |
Để hưởng ứng cũng như giúp đỡ nông dân trồng tỏi của Lý Sơn, nhiều tài khoản mạng xã hội đã chuyền nhau thông tin kêu gọi mua tỏi ủng hộ với giá 60.000 – 65.000 đồng/kg.
“Sài Gòn có ai ủng hộ tỏi Lý Sơn thì mình lấy luôn dùm cho nha… thương bà con quá, loại tỏi thương hiệu đặc sản của quê hương Quảng Ngãi mà giờ phải nhờ huyện đoàn giải cứu”, một tài khoản viết trên trang cá nhân.
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từng có văn bản gửi đến Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi, VTV3 (đơn vị phát sóng chương trình Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank Việt Nam), Công ty TNHH I AM V để yêu cầu đính chính thông tin sản phẩm tỏi Lý Sơn do nhân vật Lê Minh Hồng Phúc trình bày khi tham gia gọi vốn trong chương trình.
Cụ thể, trong quá trình kêu gọi các nhà đầu tư, Lê Minh Hồng Phúc cho biết công ty của cô có các dòng sản phẩm chính từ tỏi gồm: tỏi cô đơn, tỏi nhiều nhánh, bánh tỏi đen, nước lên men tỏi đen, nước cốt tỏi đen và cao tỏi đen. Trong đó, sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất là tỏi cô đơn Lý Sơn, giá 120.000 đồng/lọ/100 gram. Mỗi tháng công ty bán được 300kg.
|
Nhóm sáng lập Công ty I AM V tại chương trình "Thương vụ bạc tỷ". |
Ngoài ra, trên banner quảng cáo khi tham gia chương trình, công ty của Lê Minh Hồng Phúc đề cập nguồn gốc tỏi Lý Sơn 100% lên men tự nhiên. Người chơi này còn cho biết đã có một vùng trồng nguyên liệu tại Lý Sơn.
Trong văn bản, UBND huyện Lý Sơn nêu rõ 4 nội dung không chính xác: hình dáng, kích thước và màu sắc tỏi trên banner quảng cáo của phía Hồng Phúc không phải là tỏi Lý Sơn; hiện nay, huyện Lý Sơn chưa có thỏa thuận hay giao vùng đất nào cho đơn vị hoặc công ty này để làm vùng nguyên liệu sản xuất tỏi; việc bán 300 kg tỏi cô đơn Lý Sơn/tháng là vô lý bởi tổng sản lượng tỏi cô đơn trên địa bàn huyện Lý Sơn cũng chỉ dao động trên dưới khoảng 500 kg/năm; công ty của Lê Minh Hồng Phúc chưa được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Lý Sơn nên không thể dùng để gắn nhãn, quảng bá.
Thông qua đơn vị sản xuất chương trình “Thương vụ bạc tỷ”, ông Trần Minh Quang – CEO Công ty I AM V đã giải thích con số 300 kg tỏi mỗi tháng đã gây nhiều tranh cãi trong phần trình bày trên chương trình đó là tổng doanh thu đến từ nhiều nguồn sản phẩm khác nhau chứ không riêng tỏi Lý Sơn một nhánh.
Đồng thời, ông Quang khẳng định đã thu mua tỏi Lý Sơn thông qua một nhà cung cấp có uy tín trên thị trường, có hóa đơn xác nhận. Vào thời điểm tham gia chương trình, I AM V đang thu mua khoảng 25 kg tỏi Lý Sơn mỗi tháng.
Về tuyên bố sở hữu 3 hecta vùng nguyên liệu trồng tỏi Lý Sơn mà bà Lê Minh Hồng Phúc đề cập tại chương trình, công ty I AM V cho biết tại thời điểm tham gia ghi hình, công ty đang có ý định mở vùng nguyên liệu 3 hecta nên trình bày với các nhà đầu tư về kế hoạch này.
"Lúc đó, chúng tôi có đối tác sở hữu quỹ đất này tại huyện Lý Sơn và đối tác có hứa chắn chắn sẽ góp mảnh đất vào tài sản chung để hợp tác với I Am V. Đây là kế hoạch trong tương lai sẽ được thực hiện nên chúng tôi nhận là có 3 hecta. Nhưng kết hợp này không thành công sau khi gọi vốn thất bại tại 'Thương vụ bạc tỷ' nên dự định trên phải dừng lại", công ty I AM V cho biết.
Giải thích về nội dung huyện Lý Sơn chưa cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Lý Sơn nên không thể dùng chữ tỏi Lý Sơn hoặc tỏi cô đơn Lý Sơn để gắn nhãn, quảng bá, I AM V cho biết, do một số nguyên liệu thu mua và sử dụng là tỏi Lý Sơn nên khi truyền thông đã sử dụng “tỏi Lý Sơn một nhánh” để thông tin về nguồn gốc nguyên liệu.
Đầu năm 2018, tỏi Lý Sơn không còn nằm trong doanh mục sản phẩm kinh doanh của I AM V nên công ty này đã thay đổi toàn bộ bao bì sản phẩm và không sử dụng tên “tỏi Lý Sơn” trên bao bì sản phẩm và truyền thông nữa.
|
Quốc Thái