Hàng trăm nhà máy may mặc ở Bangladesh đóng cửa vì công nhân biểu tình đòi tăng lương

03/11/2023 - 15:38

PNO - Cảnh sát Bangladesh cho biết, hàng trăm nhà máy may mặc ở nước này đã đóng cửa khi hàng ngàn công nhân tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực đòi tăng gần gấp 3 mức lương hiện có.

 

Công nhân ngành may mặc Bangladesh biểu tình đòi tăng lương gấp 3 lần - Ảnh: AP
Công nhân ngành may mặc Bangladesh biểu tình đòi tăng lương gấp 3 lần - Ảnh: AP

3.500 nhà máy may mặc của Bangladesh chiếm khoảng 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm trị giá 55 tỉ USD của quốc gia Nam Á này. Các nhà máy cung cấp sản phẩm cho nhiều thương hiệu lớn của phương Tây bao gồm Adidas, Gap, H&M và Levi Strauss.

Tuy nhiên, điều kiện làm việc rất khắc nghiệt đối với 4 triệu công nhân của ngành. Đại đa số là phụ nữ với mức lương hàng tháng ở mức 8.300 taka (1,8 triệu đồng).

Cảnh sát cho biết, các công nhân đã gây náo loạn hàng chục nhà máy trên khắp thành phố Gazipur và các khu công nghiệp khác ở ngoại ô thủ đô Dhaka kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào cuối tuần qua.

“Hơn 250 nhà máy may mặc đóng cửa vì các cuộc biểu tình. Có tới 50 nhà máy bị lục soát và phá hoại, trong đó có 4 hoặc 5 nhà máy bị đốt cháy”, cảnh sát trưởng Gazipur - Sarwar Alam - nói với hãng tin AFP.

Tại thành phố Ashulia gần thủ đô Dhakar, Phó cảnh sát trưởng  Mahmud Naser cho biết ít nhất 50 “nhà máy rất lớn” sử dụng hơn 15.000 công nhân tại thành phố công nghiệp này phải đóng cửa.

Theo số liệu của cảnh sát, 2 công nhân đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), đại diện cho các chủ nhà máy, đã đưa ra mức tăng lương 25%. Cam kết này thấp hơn đáng kể so với mức lương 23.000 taka mà phía công nhân đưa ra.

Sĩ quan cảnh sát cấp cao Abu Siddique cho biết, cảnh sát ở Gazipur đã giải tán gần 1.000 công nhân đang chặn đường giao thông và tổ chức các cuộc biểu tình. 

Các cuộc biểu tình tiếp tục bước sang ngày thứ ba tại quận Mirpur phía tây Dhaka, với gần 5.000 công nhân đang phong tỏa 1 con đường.

Trung tá Zahid Parvez cho biết, binh sĩ thuộc Lực lượng Biên phòng Bangladesh (BGB) đã được triển khai để “ngăn chặn bạo lực” tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Công nhân Nasima (30 tuổi) nói: “Chúng tôi sản xuất quần áo đắt tiền. Chúng được bán với giá cao hơn ở nước ngoài. Họ kiếm tiền rất nhiều. Nhưng chúng tôi không nhận được mức lương phù hợp với điều đó. Tại sao họ không thể trả lương cao hơn cho chúng tôi nếu họ có thể bán quần áo với giá cao hơn?”.

Cảnh sát bắn đạn khói để giải tỏa đám đông biểu tình trong ngành may mặc ở gần thủ đô Dhakar
Cảnh sát bắn đạn khói để giải tán đám đông biểu tình trong ngành may mặc ở gần thủ đô Dhakar - Ảnh: AP

Tấn Vĩ (theo AFP, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI