Hàng trăm nhà khoa học quốc tế tới Việt Nam thảo luận về phát triển bền vững

20/02/2025 - 22:28

PNO - Trong 2 ngày 20/2 và 21/2, Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) đã đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế - Luminary International Conference lần thứ 7 với chủ đề Nghiên cứu và giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững (Research and Education for Sustainable Development).

Hội thảo quy tụ hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu các quốc gia như Đức, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Nội dung được thảo luận xoay quanh những vấn đề cấp thiết như: biến đổi khí hậu, chuyển đổi số trong giáo dục, quản trị và lãnh đạo, du lịch bền vững, văn hóa và xã hội... Trong đó, nhiều đề tài, tham luận về giáo dục hiện đại, AI trong marketing, tác động của AI đến các lĩnh vực như kinh tế, tài chính thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia.

Trong đó, các vấn đề mang tính thời sự như giáo dục vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu hóa; tích hợp công nghệ vào quá trình dạy và học của các trường dành cho người dân tộc thiểu số ở Capas (tỉnh Tarlac, Philippines); tác động của số hóa và đầu tư trực tiếp nước ngoài đến bất bình đẳng thu nhập… được các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra “mổ xẻ”, thảo luận.

Hàng trăm nhà khoa học đến từ nhiều nước Đức, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines… đến Việt Nam tham dự hội thảo - Ảnh: N.L
Hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia, sinh viên từ nhiều nước Đức, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines… đến Việt Nam tham dự hội thảo - Ảnh: N.L

Với vai trò là diễn giả chính, ông Kai Handel - giáo sư về Quản lý giáo dục đại học và nghiên cứu (Đại học Khoa học ứng dụng Osnabrück, Đức) - đã trình bày tham luận chính về sự phát triển bền vững trong giáo dục đại học. Ông cũng đề cập đến phong trào sinh viên ở châu Âu, như: phong trào “Văn phòng xanh” - là một nền tảng bền vững được thành lập và điều hành bởi sinh viên với sự hỗ trợ của các nhân viên trường đại học. Mục tiêu chính là đảm bảo giáo dục trao quyền cho công dân toàn cầu, giảng dạy vì sự bền vững.

Ông Kai Handel chia sẻ, phát triển bền vững bắt đầu khá chậm vào những năm 1990. Một số trường đại học bắt đầu bàn về tính bền vững trong giảng dạy, nghiên cứu, dịch vụ cộng đồng và quản lý trường học. Từ đó, các cơ sở đại học theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững ngày càng rộng rãi. Và Phát triển bền vững hiện đang là môn học chính tại các trường đại học ở Đức.

Tiến sĩ Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing, đơn vị chủ trì tổ chức - cho biết, từ những chủ đề có tính thời sự cao, thông qua hội thảo, nhà trường mong muốn tìm kiếm và phát triển những sáng kiến giáo dục đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích sự sáng tạo trong giáo dục bằng cách giới thiệu các hoạt động và dự án cụ thể có tác động tích cực đến cộng đồng, tạo điều kiện kết nối giữa các nhóm đối tượng tham gia và các đối tác đào tạo trong khu vực.

Hội thảo đặc biệt chú trọng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Các nghiên cứu và thảo luận trong hội thảo có thể giúp UEF và các tổ chức giáo dục khác xây dựng các chính sách và chương trình nhằm đạt được các mục tiêu này ở Việt Nam và khu vực ASEAN. Hội thảo cũng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kế toán xanh và trách nhiệm xã hội để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp giáo dục vì sự phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy, đặc biệt là trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh hay đề cập đến việc sử dụng các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong giảng dạy. Điều này giúp UEF áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, tăng cường trải nghiệm cho người học, đào tạo ra những sinh viên có kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để giải quyết các thách thức toàn cầu trong nghề nghiệp.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI