Hàng trăm người Nhật tự tử do hậu quả của động đất và thảm họa hạt nhân trong 10 năm qua

04/04/2021 - 20:36

PNO - Nhật Bản đã ghi nhận 240 vụ tự tử liên quan đến trận động đất và sóng thần xảy ra ở khu Đại Đông nước này vào tháng 3/2011 và quá trình khắc phục những hậu quả do thảm họa hạt nhân kéo dài trong hơn 10 năm qua, theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật.

Các chuyên gia tin rằng quá trình sơ tán kéo dài do tai nạn tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo cách đây hơn 10 năm là một nguyên nhân dẫn đến một số vụ tự tử ở Nhật, và cho rằng việc hỗ trợ nạn nhân hồi phục tinh thần sau những tai nạn như vậy đóng một vai trò rất quan trọng.

một biển báo và rào chắn chặn lối vào một cộng đồng ở thị trấn Futaba, tỉnh Fukushima vào tháng 2/2021
Một biển báo và rào chắn chặn lối vào một cộng đồng ở thị trấn Futaba, tỉnh Fukushima vào tháng 2/2021

Đối với những người sống trong các khu nhà ở tạm thời và những người sơ tán từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân đã khiến họ phải tự tìm đến cái chết. Ngoài ra, dựa trên những lời sau cùng mà các nạn nhân đã để lại, thì có thể thấy rằng các thảm họa năm 2011 chính là nguyên nhân khiến họ phải tự tử. Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật, số vụ tự tử liên quan đến thảm họa năm 2011 đã lên tới trên 20 trường hợp mỗi năm sau trận Động đất Đại Đông Nhật Bản. Mặc dù con số này đã giảm xuống còn 9 trường hợp vào năm 2018, nhưng đã tăng trở lại lên 16 trường hợp trong năm 2019. Trong năm 2020, cũng đã có 5 người đã tự kết liễu đời mình vì những nguyên nhân nói trên.

Tính theo khu vực địa lý, Fukushima, thuộc miền Đông bắc Nhật, là nơi có số người tự tử vì thảm họa động đất và hạt nhân cao nhất với 118 trường hợp. Hai tỉnh khác cũng thuộc khu vực này và ghi nhận số ca tự tử thuộc nhóm cao nhất là Miyagi (58 vụ) và Iwate (54 vụ). Các vấn đề sức khỏe được cho là nguyên nhân phổ biến nhất của những trường hợp tự tử này, liên quan đến 114 vụ. Ngoài ra, có 52 người đã tự tìm đến cái chết vì các vấn đề gia đình, 50 người do các vấn đề kinh tế và mưu sinh. Có 63 trường hợp khác vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác.

“Rất nhiều người đã sơ tán khỏi các thành phố xung quanh nhà máy điện hạt nhân đến các khu vực khác trong tỉnh, và họ đã phải trải qua một thời gian dài bị suy sụp tinh thần. Trong khi đó, những người có thể sơ tán ra ngoài tỉnh thì lại khó tìm đến các dịch vụ hỗ trợ cần thiết”, Masaharu Maeda, giáo sư tâm thần học liên quan đến thảm họa của Đại học Y khoa Fukushima, chia sẻ.

Một khu nhà tập thể dành cho nạn nhân của trận động đất năm 2011
Một khu nhà tập thể dành cho nạn nhân của trận động đất năm 2011

Ở Miyagi và Iwate, số vụ tự tử lên đến mức cao nhất ngay trong năm đầu tiên sau thảm họa năm 2011. Những vụ tự tử xảy ra trong những năm gần đây được cho là kết quả của tình trạng các cá nhân bị cô lập vì họ không có được mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng xung quanh sau khi phải chuyển nhà hoặc đến sống ở các khu nhà tập thể dành cho nạn nhân sau các trận động đất.

“Ngay cả những nạn nhân có thể giữ vững tinh thần sau thảm họa năm 2011 cũng cho biết cảm thấy bị kiệt sức theo thời gian. Một số nạn nhân đã xây dựng lại cuộc sống mới và phục hồi tinh thần phần nào, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều người phải chịu đựng trong suốt 10 năm qua. Hiện nay, chúng ta lại không thể chăm sóc đầy đủ cho những nạn nhân đang còn kẹt lại ở các khu nhà ở tập thể vì đại dịch COVID-19, và vì vậy họ càng có xu hướng bị cô lập hơn. Chúng ta cần nghĩ ra các biện pháp để giải quyết vấn đề này, trong đó có việc tìm cách hỗ trợ các nạn nhân”, Maeda khuyên.

Nhất Nguyên (theo Mainichi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI