Hàng trăm người chết, mất tích vì mưa lũ ở châu Á

17/07/2020 - 15:31

PNO - Mưa lũ đã gây thiệt hại ở Trung Quốc và một số quốc gia ở khu vực Nam Á như: Ấn Độ, Bangladesh, Nepal.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo lũ lụt trên sông Trường Giang vào hôm 17/7 vì mưa lớn được dự báo tại các tỉnh phía Nam. 

Từ đầu tháng 6 đến nay, có khoảng 141 người chết, mất tích và khoảng 2,2 triệu người phải sơ tán do lũ lụt. Mực nước ở vùng trung và hạ lưu của sông Trường Giang tiếp tục tăng, chỉ sau 12 ngày nước trên sông và các nhánh vượt quá mức báo động.

Uỷ ban tài nguyên nước sông Trường Giang đưa ra mức cảnh báo màu xanh cho khu vực đập Tam Hiệp (mức thấp nhất) vào hôm thứ Năm. Hồ chứa cao hơn 10 mét so với mức cảnh báo. Dòng nước đổ vào hồ ngày 17/7 dự kiến là hơn 50.000 m3/s.                                        

Mức cảnh báo lũ màu cam vẫn được áp dụng cho khu vực hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam), hồ Bà Dương (tỉnh Giang Tây).

Người đàn ông chèo thuyền đi qua mái nhà bị ngập tại khu vực hồ Bà Dương
Người đàn ông chèo thuyền đi qua ngôi nhà bị ngập tại khu vực hồ Bà Dương

Mực nước ở hồ Bà Dương cao hơn 2,5 mét so với mức cảnh báo, với diện tích mở rộng lên đến 2.000 km2, khiến một phần thị trấn xung quanh bị ngập lụt. Tân Hoa Xã cho biết mực nước đo được tại một trạm thuỷ văn quan trọng trong hồ đã vượt kỷ lục trong trận đại hồng thuỷ năm 1998.

Mức cảnh báo lũ màu vàng được đưa ra cho sông Kim Sa (thượng du sông Trường Giang) chảy qua các tỉnh Thanh Hải, Vân Nam và Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc và sông Chu ở các tỉnh An Huy và Giang Tô ở phía đông nam.

Chính quyền Trung Quốc đề ra 3 biện pháp lớn ứng phó với lũ lụt: phối hợp quản lý lũ dọc theo sông Trường Giang và hồ chứa Tam Hiệp; kiểm tra phòng thủ lũ tại hồ Thái Hồ - hồ nước ngọt lớn ở tỉnh Giang Tô; chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất về lũ lụt trong lưu vực sông Hoài Hà (sông lớn thứ ba của Trung Quốc).

Ngôi chùa Quan Âm 700 năm tuổi ở tỉnh Hồ Bắc ngập chìm trong biển nước
Ngôi chùa Quan Âm 700 năm tuổi ở tỉnh Hồ Bắc ngập chìm trong biển nước

Những cơn mưa xối xả vào hôm thứ Năm (16/7) ở khu vực Nam Á cũng gây ra thiệt hại cho khu vực này. Theo thống kê, có khoảng 100 người chết trong những ngày gần đây. 

Tại bang Assam (đông bắc Ấn Độ), khoảng 90% công viên quốc gia Kaziranga nổi tiếng 430 km2 nằm dưới nước, nhấn chìm một vài con tê giác, heo rừng. Các kiểm lâm viên phải hướng dẫn một vài con hổ bơi ra ngoài khu vực an toàn.

“Tôi có thể nói rằng đó là một trong những trận lụt tồi tệ nhất ở bang trong thời gian gần đây”, ông Parimal Suklabaidya - Bộ trưởng Lâm nghiệp bang Assam nói với AFP.

Những ngôi làng là nơi sinh sống của hơn 3,5 triệu người ở Assam đã bị ngập lụt, hoặc hư hại lớn. Tại đây có 28 người thiệt mạng trong 10 ngày qua vì ngập lụt.

Tê giác lội qua vùng ngập lụt ở khu bảo tồn động vật hoang dã Pobitora ở Pobitora, quận Morigaon, Assam, Ấn Độ
Tê giác lội qua vùng ngập lụt ở khu bảo tồn động vật hoang dã Pobitora, quận Morigaon, Assam, Ấn Độ

Tại Bangladesh, các nhà chức trách cho biết tình hình đã được cải thiện đôi chút nhưng vẫn còn 1/3 khu vực đồng bằng chìm dưới mặt nước. Có khoảng 6 người chết, 1,8 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và nước sông dâng cao.

Nước sông Brahmaputra (chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ, Bangladesh và đổ ra vịnh Bengal) cũng dâng cao và gây ngập một số ngôi làng và thị trấn ở biên giới.

Ở Nepal, 67 người đã chết và 45 người mất tích sau trận lở đất và lũ lụt do mưa gây ra kể từ Chủ nhật tuần trước. Hiện, quân đội và cảnh sát vẫn đang tìm kiếm những người có khả năng sống sót.

Thuỳ Anh (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI