Hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên trên thế giới bãi khóa vì môi trường

25/05/2019 - 06:12

PNO - Hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên trên toàn thế giới đã rời khỏi lớp học vào thứ Sáu 24/5 để kêu gọi chính phủ các nước hành động mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm khí thải nhà kính.

Những cuộc biểu tình về khí hậu được lên kế hoạch tại hơn 1.600 thành phố ở hơn 125 quốc gia. Theo các nhà tổ chức, số lượng người bãi khóa dự kiến ​​sẽ vượt qua con số 1,6 triệu người từng tham gia Cuộc bãi khóa Khí hậu Toàn cầu đầu tiên vào tháng 3/2019.

Lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình hằng tuần của nhà hoạt động Thụy Điển Greta Thunberg, 16 tuổi, phong trào khí hậu của thanh thiếu niên toàn cầu trở nên mạnh mẽ hơn trong những tháng gần đây.

Các cuộc biểu tình vào thứ Sáu bắt đầu ở New Zealand và Úc, nơi gần đây đã trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử. Các cuộc bãi khóa được lên kế hoạch ở khắp các châu lục, từ Nepal đến Nigeria.

Hang tram nghin hoc sinh, sinh vien tren the gioi bai khoa vi moi truong
Các nhà hoạt động tại Melbourne, Úc, tham gia Cuộc bãi khóa khí hậu toàn cầu vào ngày 24/5/2019.

Jake Woodier thuộc Mạng lưới Sinh viên vì Khí hậu Vương quốc Anh (UKSCN) nói với CNN rằng hàng chục ngàn sinh viên đang tham gia vào 120 cuộc bãi khóa trên khắp Vương quốc Anh, từ Cornwall đến Scotland.

Jake nói: "Kể từ tháng 3, chúng tôi đã chứng kiến ​​một sự thay đổi xung quanh biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng khí hậu được đưa lên trang đầu tiên của chương trình nghị sự, các chính trị gia và giới truyền thông bắt đầu có những cuộc trò chuyện về chiến lược hành động”.

Mặc dù nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tăng, các nhà hoạt động nói rằng chính phủ đã quá chậm trong việc thực hiện các chính sách nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Jake nhận xét rằng "Chính phủ Anh đang tụt lại phía sau về hành động khí hậu”.

Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và là một bên ký kết thỏa thuận khí hậu Paris 2015, kêu gọi các nước giảm sản lượng carbon, giúp kiểm soát sự nóng lên toàn cầu dưới 2oC vào cuối thế kỷ 21.

Đầu tháng 5/2019, các chuyên gia khí hậu tiếp tục thúc giục chính phủ Anh cắt giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050.

Trước cuộc bãi khóa khí hậu toàn cầu hồi tháng 3, nhiều nhà hoạt động thanh thiếu niên đã nói với CNN về những trải nghiệm cá nhân của họ về biến đổi khí hậu, từ các vụ cháy rừng ở California đến mực nước biển dâng cao ở Mauritius.

Hang tram nghin hoc sinh, sinh vien tren the gioi bai khoa vi moi truong
Phong trào bãi khóa vì môi trường thu hút nhiều sinh viên, học sinh tại tại Cologne, miền tây nước Đức.

Alexandria Villasenor, 13 tuổi, người lãnh đạo phong trào khí hậu ở Mỹ, nói với CNN: "Tôi rất buồn với cách các nhà lãnh đạo thế giới đang đối phó với khủng hoảng khí hậu. Giới trẻ cần đảm bảo rằng những người nắm quyền lực bắt đầu hành động, bởi vì chúng tôi không thể đợi cho đến khi chúng tôi có thể tự mình quyết định".

Năm 2018, lượng khí thải carbon toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, và một báo cáo của Liên Hiệp Quốc đưa ra khuyến nghị về hành động toàn cầu chưa từng có nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5oC so với mức trước cách mạng công nghiệp.

Các nhà khoa học tiếp tục cảnh báo hồi đầu tháng 5/2019 rằng một triệu loài sinh vật khắp hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng, một phần do biến đổi khí hậu và ô nhiễm do con người gây ra.

Linh La (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI