Hàng trăm năm sau, thói đời vẫn thế...

08/06/2015 - 08:11

PNO - PN - Mấy ngày gần đây, khi chính thức được toàn quyền sử dụng 5 triệu yen, “chị ve chai” Huỳnh Thị Ánh Hồng vẫn tiếp tục… mất ăn mất ngủ như những ngày trước đó.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngoài việc phải… cân nhắc trả lời báo chí với vai trò là “người (bỗng dưng) nổi tiếng” về những kế hoạch sử dụng món tiền thuộc sở hữu của mình, chị còn phải “nhấc lên, đặt xuống” trước hàng loạt lời đề nghị “giúp đỡ” của các cơ sở từ thiện, các bạn bè thân hữu gần xa và kể cả của… người dưng, kẻ lạ.

Áp lực đến mức chị phải… bỏ nhà đi, phải cắt luôn điện thoại vì nhiều người kéo đến chật kín con hẻm nơi chị cư ngụ. Dù lực lượng công an địa phương đã hỗ trợ bằng việc canh gác, bảo vệ nhưng chị vẫn… hãi hùng.

Hang tram nam sau, thoi doi van the...

Chị Hồng. Ảnh: VnExpress.net

Đọc những thông tin này trên các phương tiện truyền thông, không ít người cảm thấy chua chát, nhiều người tặc lưỡi, thấy chị Hồng… khổ quá!

Người ta biết chị Hồng nghèo khó ra sao với gánh ve chai mưu sinh mỗi ngày. Người ta cũng biết kế hoạch chi tiêu của chị sau khi lãnh được tiền. Đó là một danh sách khá dài: giúp đỡ cha mẹ, xây nhà, nuôi hai con ăn học...

Với một người trắng tay như chị, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, gần một tỷ đồng (đổi từ tiền yen qua tiền Việt và trừ tất cả các chi phí liên quan đến thủ tục) vẫn chưa giải quyết cơ bản những kế hoạch mà chị đề ra.

Và, như lời chị nói, chị vẫn trở lại với nghề ve chai để mưu sinh. Trong bối cảnh này, lời xin xỏ của nhiều người, trong đó có các cơ sở từ thiện với chị Hồng có vẻ lạc lõng và bẽ bàng.

Câu chuyện của chị Hồng khiến tôi nhớ lại vụ một người dân ngụ H.Thủ Thừa, tỉnh Long An trúng năm tờ độc đắc vào cái ngày cận Tết Nguyên đán 2014. Thông tin trúng số của ông H.T.D. lan truyền nhanh đến mức gia đình ông đi lãnh tiền chưa về tới thì… nhà đã đông khách.

Đáng ngạc nhiên là ngoài họ hàng thân thiết, những người vốn chẳng có quan hệ, chẳng quen biết gì cũng tìm đến xin tiền. Sau khi “ngồi lì” cho đến lúc ông D. đưa tiền, những người này lại khoe với nhiều người khác để những “kẻ xa lạ” liên tục tìm đến ông D. xin “chia sẻ” sự may mắn.

Cũng có người không ngại khóc lóc kể khổ để gia chủ rủ lòng thương. Những người vốn khỏe mạnh, đủ tay đủ chân để lao động nhưng vẫn kéo nhau đến nhà ông D. để xin, gây mất trật tự, khiến công an phải vào cuộc để dẹp. Ông D. phải treo bảng “không phận sự miễn vào” trước cổng nhà và… khóa điện thoại.

Có một người bạn kể với tôi câu chuyện: một ngày vào những năm 90 của thế kỷ trước, bạn ấy nghe tin có ông chú họ Việt kiều Mỹ về thăm quê hương, bạn toan vọt qua nhà bà nội (nơi ông chú vừa về đến) thì bị bố níu lại. Bạn ấy bảo: “Con phải qua cho kịp, nghe bảo chú gặp ai cũng cho đô-la”.

Ông bố ôn tồn trả lời: “Chính vì bố biết ngày đầu tiên chú con về nước sẽ có nhiều quà nên con không được qua. Hãy chờ vài ngày hẵng qua thăm chú. Nhà mình nghèo nhưng phải biết tự trọng con ạ”. Anh bạn của tôi kể lại câu chuyện với niềm tự hào về ông bố tuyệt vời của mình. Có lẽ, bài học về lòng tự trọng của người khó trước kẻ sang ấy được bạn tôi mang theo suốt đời.

Ngày trước, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết bài thơ “Thói đời”, trong đó có câu “Thớt có tanh tao, ruồi đỗ đến/ Gan không mật mỡ, kiến bò chi”, hàng trăm năm sau, thói đời vẫn thế.

 YÊN KHÊ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI