Khách hàng “đồng hành” cùng chủ đầu tư mua bán “lúa non”?
Dự án Khu đô thị Tân Phú với diện tích 43 ha sau khi “sang tay” lòng vòng giữa các đơn vị thì đến khoảng năm 2018, nhiều thông tin trên mạng bắt đầu rao thông tin động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú tại Bình Dương với quy mô 2.000 sản phẩm đất nền và nhà phố xây sẵn.
Để thu hút khách hàng xuống tiền, dự án được quảng cáo tọa lạc tại khu vực đắc địa, giao lộ đường Võ Văn Kiệt với Phạm Ngọc Thạch, bao quanh là các tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bình Dương như: Quốc lộ 13, cao tốc Mỹ Phước Tân Vạn, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Linh…
|
Dự án Khu đô thị Tân Phú thời điểm rào lại và rao bán |
“Khu đô thị Tân Phú sẽ trở thành trung tâm giao thương hàng đầu tại TP.Thủ Dầu Một với các khu phố thương mại sầm uất kinh doanh đủ các ngành nghề và giá trị bất động sản sẽ không ngừng tăng cao” - một đơn vị bán hàng giới thiệu dự án.
Vị lãnh đạo của đơn vị này còn xuất hiện trong một clip giới thiệu, ba đơn vị cùng hợp tác phát triển dự án gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM, Công ty cổ phần Xây dựng An Phước Bình Dương và Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh.
Đáng nói, thời điểm này, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM vẫn chưa được tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án. Dự án cũng chưa được cấp giấy phép xây dựng. Thậm chí thời điểm này, đất của dự án vẫn chưa thuộc về Kim Oanh Group.
|
Lễ động thổ dự án, dù thời điểm này dự án vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng |
Minh chứng của việc này là ngày 12/2/2018, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 08/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Tân Phú do đã có hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định. Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu công ty này ngừng việc tổ chức thi công xây dựng tại dự án.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này thì đã có hàng trăm khách hàng rót tiền vào dự án, mua bán với chủ đầu tư theo dạng “lách luật” bằng những hợp đồng góp vốn, vay ưu tiên chọn mua lô đất... Số tiền đơn vị bán hàng huy động được có dấu hiệu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử như như bà H. nộp vào tài khoản Công ty Tân Phú 1,6 tỷ đồng vào ngày 4/7/2018 với mục đích “góp vốn dự án Tân Phú”. Còn bà T chuyển khoản cho Công ty Tân Phú gần 1,4 tỷ đồng để “góp vốn dự án 43ha Tân Phú”. Thậm chí, có người chuyển cho Công ty Tân Phú gần 33,4 tỷ đồng để đặt quyền mua 7 lô đất từ vị trí ô số 1 đến số 7, lô LK 22A có tổng diện tích hơn 855 m2. Như vậy, với giao dịch này có thể thấy các lô đất trên đã có dấu hiệu mua bán trái phép.
Nguy cơ trắng tay
Ngày 16/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty Bình Dương)”.
Ngày 8/4/2020, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố 3 bị can về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Trong đó, Nguyễn Văn Minh (chủ tịch Hội đồng thành viên); Trần Nguyên Vũ (thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương) đã bị bắt tạm giam 4 tháng. Riêng Huỳnh Thanh Hải (nguyên thành viên Hội đồng thành viên đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Bình Dương, hiện là chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương trực thuộc Tổng công ty Bình Dương) được tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.
Theo Đại tá Trần Văn Chính - Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, kết quả điều tra xác định khu đất có diện tích 43ha tọa lạc tại P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là tài sản nhà nước giao cho Tổng công ty Bình Dương để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú thuộc Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng, vào năm 2016 Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất này cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng.
Việc chuyển nhượng này là không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, đã gây thất thoát trên 126,8 tỷ đồng.
Theo luật sư Nguyễn Trường (đoàn Luật sư TPHCM), hiện khách hàng không còn giải pháp nào khách ngoài việc liên hệ cơ quan điều tra cung cấp hồ sơ, tài liệu để chứng minh là đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án. Trong quá trình điều tra, xét xử, quyền lợi khách hàng có thể được pháp luật bảo vệ nếu các giao dịch đó phù hợp trong một số quy định của pháp luật. Nếu việc giao dịch hoàn toàn trái pháp luật thì khách hàng có nguy cơ trắng tay.
“Hiện nay pháp luật quy định rất rõ, việc mua bán nhà, đất phải tuân thủ quy định Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn bất chấp bán hàng, huy động vốn trái phép. Rất nhiều khách hàng biết giao dịch này là “lách luật”, trái phép nhưng vẫn “đồng hành” cùng chủ đầu tư thực hiện để nhằm thu được lợi nhuận cao nhất từ các khoản đầu tư. Đây cũng là bài học cho những người giao dịch tài sản có giá trị lớn nhưng quá xem thường pháp luật” - luật sư Trường nói.
Ba rủi ro lớn cho khách hàng thích mua “lúa non”
Việc ký các hợp đồng “lách luật” để mua bán “lúa non” có thể dẫn đến 3 rủi ro lớn cho khách hàng gồm:
Thứ nhất, khi dự án chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý có thể bị cơ quan thẩm quyền hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng dự án, thu hồi dự án bất cứ lúc nào. Chủ đầu tư “lật kèo” khi giá đất có sự thay đổi lớn.
Thứ hai, dù bản chất của hợp đồng là thỏa thuận dân sự, nhưng đa số các hợp đồng góp vốn được ký kết đều do chủ đầu tư soạn thảo, người mua cũng không có cơ hội bàn bạc. Do đó chủ đầu tư thường cài vào các điều khoản mang tính có lợi cho họ, không đảm bảo quyền lợi cho người góp vốn.
Thứ ba, khi tranh chấp hoặc thiệt hại xảy ra, khách hàng có thể phải gánh chịu nhiều rủi ro, có thể mất trắng tài sản vì hợp đồng được giao kết không đúng với các qui định của pháp luật.
Luật sư Đoàn Việt Thắng - Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận
|
Hoàng Long