Hàng trăm học sinh Hồng Kông nắm tay ủng hộ người biểu tình

09/09/2019 - 19:36

PNO - Hàng trăm học sinh cấp hai, nhiều người đeo mặt nạ, mặc đồng phục, cùng nắm tay ở các quận trên khắp Hồng Kông vào thứ Hai 9/9, nhằm ủng hộ những người biểu tình chống chính phủ sau cuộc đụng độ cuối tuần qua.

Các trạm tàu ​​điện ngầm đóng cửa giữa các cuộc đối đầu bạo lực hôm Chủ nhật đã mở cửa trở lại vào sáng thứ Hai, mặc dù tình trạng tại trung tâm tài chính châu Á vẫn khá căng thẳng.

Hang tram hoc sinh Hong Kong nam tay ung ho nguoi bieu tinh
Người biểu tình đốt lửa tại một trạm tàu điện ngầm tại khu vực trung tâm vào ngày 8/9.

Chính phủ Hồng Kông cảnh báo các nhà lập pháp nước ngoài không nên can thiệp vào công việc nội bộ tại thuộc địa cũ của Anh, sau khi hàng ngàn người biểu tình kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump "giải phóng" thành phố.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Hai cho biết Hồng Kông là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và bất kỳ hình thức ly khai nào cũng "sẽ bị nghiền nát".

Hang tram hoc sinh Hong Kong nam tay ung ho nguoi bieu tinh
Người biểu tình và các phóng viên bỏ chạy khi cảnh sát sử dụng bom khói tại ga tàu điện ở Causeway Bay.

Tờ Trung Quốc Nhật báo cho biết cuộc biểu tình hôm Chủ nhật là bằng chứng cho thấy có lực lượng nước ngoài đứng sau các cuộc biểu tình và cảnh báo những người biểu tình nên "ngừng thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền trung ương".

Hang tram hoc sinh Hong Kong nam tay ung ho nguoi bieu tinh
Người biểu tình kéo đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông vào ngày 8/9.

Ba tháng phản đối về dự luật dẫn độ đã phát triển thành phong trào dữ dội hơn chống lại chính phủ. Nhiều nhà hoạt động tức giận về việc trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam từ chối thực hiện một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc cảnh sát sử dụng bạo lực đàn áp người biểu tình.

Các yêu cầu khác của người biểu tình bao gồm rút lại từ "bạo loạn" để mô tả các cuộc biểu tình, giải phóng tất cả những người bị bắt và trao quyền cho người dân Hồng Kông chọn lãnh đạo của chính họ.

Joshua Wong - một trong những người lãnh đạo phong trào "Ô dù" dân chủ 5 năm trước, đã xuất hiện tại tòa vào ngày thứ Hai vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh sau khi bị cáo buộc kích động và tham gia vào một tổ chức trái phép vào tháng 8.

Hang tram hoc sinh Hong Kong nam tay ung ho nguoi bieu tinh
Trong bộ đồng phục học sinh, đây là cách những thanh thiếu niên Hồng Kông bày tỏ sự ủng hộ trước phong trào đấu tranh vì dân chủ.

Hồng Kông được Anh trảo trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 theo công thức "một quốc gia, hai hệ thống", đảm bảo các quyền tự do không được hưởng trên đại lục. Nhiều người dân Hồng Kông sợ Bắc Kinh đang làm xói mòn quyền tự chủ đó.

Trung Quốc phủ nhận cáo buộc can thiệp và nói Hồng Kông là một vấn đề nội bộ. Bắc Kinh tố cáo các cuộc biểu tình do Mỹ và Anh gây ra làm gia tăng tình trạng bất ổn, và cảnh báo về thiệt hại cho nền kinh tế.

Hang tram hoc sinh Hong Kong nam tay ung ho nguoi bieu tinh
Học sinh ở khu vực Trung tâm nối vòng tay trước giờ vào lớp.

Trên phương diện khác, Mỹ tiếp tục theo dõi các sự kiện ở Hồng Kông. Một quan chức giấu tên tại Mỹ cho biết: "Các quyền tự do ngôn luận và hội họp là những giá trị cốt lõi mà chúng tôi chia sẻ với người dân Hồng Kông, và những quyền tự do đó phải được bảo vệ mạnh mẽ. Như Tổng thống đã nói 'Họ đang tìm kiếm dân chủ và tôi nghĩ hầu hết mọi người đều muốn dân chủ'”.

Tấn Vĩ (Theo CNA, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI