Hàng trăm ha sắn ở Phú Yên nhiễm bệnh lạ từ... Tây Ninh

03/09/2018 - 07:35

PNO - Hàng trăm ha sắn ở huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đang bị nhiễm bệnh khảm lá và lây lan nhanh khiến người dân phải nhổ bỏ. Đây là loại bệnh lần đầu tiên gây hại trên cây sắn của tỉnh này, khiến nông dân lo lắng.

Gia đình ông Cao Minh, ở xã Ea Ly, huyện miền núi Sông Hinh đầu tư trồng hơn 10ha sắn với 120 triệu đồng. Đến nay đã 2 tháng tuổi nhưng đa phần cây sắn bị đốm vàng, quăn lá, cao không quá gang tay người lớn. Sau đó phần thân cây khô héo dần, không phát triển. Nhiều cây bị chết.

Hang tram ha san o Phu Yen nhiem benh la tu... Tay Ninh
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên kiểm tra sắn bị bệnh khảm lá tại huyện Sông Hinh

Ông Cao Minh, cho hay: "Khi sắn bị bệnh, tôi báo cáo ngành chức năng, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên kiểm tra thực tế, xác định, toàn bộ diện tích sắn của gia đình tôi đã bị bệnh khảm lá. Để không lây nguồn bệnh sang diện tích khác phải nhổ bỏ tất cả".

Không chỉ ở xã Ea Ly mà tại xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), sắn cũng mắc bệnh này. Ông Trần Văn Long, nông dân trồng sắn ở xã này, cho biết: "Gia đình tôi có 1ha sắn bị bệnh hơn 1 tháng. Mặc dù đã tìm cách chữa trị nhưng không được. Giống sắn tôi trồng được một người trong xã mua từ tỉnh Tây Ninh về bán cho người trồng. Khả năng bệnh này bắt nguồn từ đây. Vì từ trước đến nay cây sắn ở khu vực này chưa từng mắc loại bệnh này. Phải nhổ bỏ hết, gia đình đã thiệt hại chi phí đầu tư".

Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, hiện có 300/8.000ha sắn đã bị nhiễm bệnh. Diện tích sắn nhiễm bệnh tập trung ở xã Ea Ly và Ea Bar. Bệnh khảm lá trên cây sắn là do vi rút gây ra. Ngoài lây lan từ hom giống, lo ngại nhất là môi giới truyền bệnh qua hút nhựa của bọ phấn trắng. Loài bọ này có rất nhiều ở cây thuốc lá, khoai tây, ớt và các cây họ cà.

Hang tram ha san o Phu Yen nhiem benh la tu... Tay Ninh
Cây sắn bị đốm vàng, quăn lá, cao không quá gang tay người lớn.

Sắn non nhiễm bệnh, lá bị biến dạng, vàng loang lổ, không cho thu hoạch. Nếu nhiễm bệnh khi cây sắn đã lớn sẽ giảm năng suất, chất lượng. Do chưa có thuốc đặc trị, nên ngoài việc quản lý tốt nguồn giống, biện pháp tối ưu hiện nay là tiêu hủy ngay những diện tích đã nhiễm bệnh. Hiện nay, bệnh này đang lây lan mạnh ở các tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai. Lo ngại hơn, bệnh cũng đã xuất hiện ở huyện Ma Đrak, tỉnh Đăk Lăk, giáp ranh với tỉnh Phú Yên.

Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết: "Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có công văn yêu cầu các địa phương phải điều tra, khảo sát diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý bệnh này. Khi phát hiện dấu hiệu sắn bị nhiễm bệnh, nông dân cần nhổ bỏ, tiêu hủy để cắt nguồn bệnh lây lan sang diện tích khác".

Niên vụ sắn 2017 – 2018, do giá mía giảm, giá sắn cao, nông dân trong tỉnh Phú Yên đã phá mía để trồng sắn. Diện tích sắn toàn tỉnh là 24.000ha, vượt 5.000ha so với quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Trâm Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI