Hàng trăm giáo viên nguy cơ thất nghiệp vì xét tuyển có cũng như không

16/07/2019 - 20:31

PNO - Hàng trăm giáo viên đã tập trung tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để kiến nghị về việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng. Các giáo viên cho rằng việc xét tuyển được thực hiện theo kiểu "có cũng như không".

Ngày 16/7, hơn 400 giáo viên hợp đồng, đại diện cho hàng nghìn giáo viên khác tại 6 huyện của Hà Nội đã tập trung tại Tổng Liên đoàn Lao động và UBND TP. Hà Nội để gửi kiến nghị về phương án xét tuyển viên chức với giáo viên hợp đồng.

Hang tram giao vien nguy co that nghiep vi xet tuyen co cung nhu khong
Nhiều giáo viên chờ đợi gửi đơn kiến nghị

Trước đó vào ngày 9/7, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội, Chủ tịch thành phố, ông Nguyễn Đức Chung cho biết UBND quyết định xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể. Các điều kiện vị lãnh đạo thành phố nêu ra trong việc xét tuyển các giáo viên hợp đồng cụ thể như sau:

Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây.

Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe.

Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.

Tuy nhiên, theo thầy Bùi Văn C. (giáo viên huyện Sóc Sơn), hiện tại huyện Sóc Sơn tiếp tục thực hiện việc thi tuyển và đặc cách qua vòng 1 (thi Ngoại ngữ, Tin học) với các giáo viên có thâm niên giảng dạy nhiều năm. Hầu hết các giáo viên đều đủ điều kiện đặc cách tuy nhiên nếu xét tuyển theo các điều kiện Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đưa ra sẽ hợp lý hơn trong việc xét tuyển công chức.

Hang tram giao vien nguy co that nghiep vi xet tuyen co cung nhu khong
Các giáo viên hợp đồng tỏ ra bức xúc khi không được xét tuyển theo các điều kiện Chủ tịch thành phố đã nêu

Cùng quan điểm trên, cô Hoàng Thị H.A. (giáo viên huyện Ba Vì) cho rằng, việc các huyện tiếp tục thực hiện việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP là “xét cũng như không xét”. Theo đó giáo viên hợp đồng được xét đặc cách không qua thi tuyển phải có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí làm việc, đạt trình độ đào tạo đại học trở lên, được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và được ký hợp đồng lao động theo đúng quy định tại trường công lập tự chủ về tài chính.

“Đến thời điểm này, trên địa bàn các huyện có rất ít trường công lập tự chủ về tài chính, bảo đảm điều kiện thứ 4 như trong Nghị định 161 quy định. Như vậy chúng tôi vẫn phải thi tuyển như trước mà không được đặc cách hay có ưu thế gì. Việc cho xét tuyển như vậy có khác gì không cho”, cô H.A. bức xúc nói.

Cũng theo cô giáo này, khi đặt vấn đề tại sao huyện không áp dụng các điều kiện mà Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã công khai tại kỳ họp của HĐND, cán bộ của huyện Ba Vì cho biết huyện chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào của thành phố nên vẫn phải thực hiện dựa theo Nghị định 161 về việc tuyển dụng công chức.

Xác nhận về vấn đề nói trên, trả lời báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Ba Vì cho biết: "Hiện tại huyện vẫn đang tiến hành rà soát số giáo viên hợp đồng còn lại trên địa bàn huyện. Về các điều kiện do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã nêu, do chưa có văn bản chỉ đạo nên chúng tôi vẫn đang thực hiện theo Nghị định 161".

Hàng trăm giáo viên hợp đồng lâu năm tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cũng đang kêu cứu vì có nguy cơ mất việc. Do không được đóng bảo hiểm, nên nhiều thầy cô giáo đã không đủ điều kiện xét tuyển, dù việc xét tuyển thực hiện theo các điều kiện Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã công bố.

Bởi lẽ, hầu hết giáo viên hợp đồng có thời gian làm việc từ 10 đến 20 năm tại Mỹ Đức vẫn chỉ được hưởng mức lương hơn 1,2 triệu đồng/tháng, nhiều người chỉ ký hợp đồng 3 tháng/lần và không được đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, những thầy cô tại huyện này dù có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên cũng không đủ điều kiện xét tuyển vào viên chức ngành Giáo dục.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI