Hàng trăm doanh nghiệp tại TPHCM đang tuyển dụng lao động

21/09/2021 - 11:27

PNO - Sở Lao động, Thương bnh và Xã hội TPHCM mới đây có báo cáo gửi Cục việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động TPHCM.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, TP có hơn 4,7 triệu lao động đang làm việc và hơn 280.000 doanh nghiệp cùng hơn 460.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

Dịch bệnh COVID-19 đã làm hàng triệu người lao động bị ngừng việc, cắt giảm việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến ảnh hưởng thu nhập, sinh kế. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị tác động mạnh, nhiều hợp đồng không thể thực hiện. Phương thức làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến” gặp nhiều khó khăn.

Số lượng lao động mà các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng là hơn 1.300 lao động, tập trung ở trình độ sơ cấp - trung cấp với tỷ lệ gần 60%
Các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 1.300 lao động

Tính đến ngày 12/9, đã có 20.996 doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc (hơn 400.000 người lao động). Các doanh nghiệp đang đề nghị Bảo hiểm xã hội xác nhận để vay vốn trả lương cho 22.909 người lao động.

Đối với các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, TP đã triển khai thực hiện gói hỗ trợ 12 tỷ đồng cho gần 6.000 hộ phải dừng hoạt động, đồng thời triển khai gói hỗ trợ hơn 31 tỷ đồng cho thương nhân tại các chợ truyền thống, sạp kinh doanh.

Cùng với đó, TP cũng hỗ trợ nhiều đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP trong tuần đầu của tháng 9/2021, có 325 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trên trang www.vieclamhcm.net. Số lao động cần tuyển dụng là hơn 1.300 người, tập trung ở trình độ sơ cấp - trung cấp với tỷ lệ gần 60%. Số người có nhu cầu tìm kiếm việc làm là hơn 2.000 người, trong đó 67,8% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Về khó khăn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, khi thực hiện "3 tại chỗ", một số doanh nghiệp có quy mô trên 2.000 lao động gặp khó trong việc bố trí nơi ăn, nghỉ cho người lao động. Ngoài ra còn phát sinh nhiều chi phí phòng chống dịch, đồng thời tâm lý người lao động không thoải mái khi làm việc tại chỗ trong thời gian dài.

Ngoài việc phát sinh chi phí, không có doanh thu, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn lao động sau khi hết giãn cách, bởi nhiều người lao động ở tỉnh về quê tránh dịch.

Để khắc phục tình trạng nói trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP nêu một số giải pháp phục hồi kinh tế đối với nguồn lao động sau khi TP hết giãn cách.

Cụ thể, với các doanh nghiệp cần bổ sung nguồn lao động đang thiếu, Sở chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm TP rà soát nhu cầu theo từng lĩnh vực, ngành nghề để kết nối nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, trong đó quan tâm người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Song song, phối hợp các đơn vị đưa thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc. Tăng cường thực hiện các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để người sử dụng lao động và người lao động trực tiếp phỏng vấn, trao đổi và thỏa thuận các điều kiện làm việc.

Ngoài ra, để duy trì hoạt động sản xuất khi thiếu hụt lao động, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP, các doanh nghiệp cần cải cách quy trình sản xuất, hình thức hoạt động, có kế hoạch và chính sách sử dụng nhân lực cụ thể để chủ động tuyển dụng phù hợp.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI