Người dân ở hàng trăm tuyến hẻm đang rất hoang mang vì khu vực họ sống không nằm trong danh sách điểm ngập, thậm chí còn không được xem là “tụ nước”.
|
Ba ngày sau trận mưa lớn, vợ chồng ông Định (bìa trái) mới quay về nhà, nhưng hẻm vẫn còn đọng nước, nhếch nhác - Ảnh: H.N. |
Ngập đường khổ một, ngập hẻm khổ mười
Ba ngày sau cơn mưa lớn vào chiều 19/5, vợ chồng ông Huỳnh Thiên Định mới quay về nhà. Lúc này, con hẻm 48 đường Lâm Hoành, P.An Lạc, Q.Bình Tân trước nhà ông vẫn chưa rút hết nước, còn đọng lại những vũng đen ngòm, bùn dơ bê bết. Con hẻm này nằm song song với đường Kinh Dương Vương và chỉ cách con đường mới nâng cao để chống ngập chừng 250m.
Nhà ông Định có nền cao nhất ở con hẻm nói trên. Dù vậy, mới qua vài trận mưa đầu mùa, ông đã ngao ngán, muốn bán nhà, chuyển đi nơi khác. “So với những nhà xung quanh, đúng là nhà tôi ít bị ngập hơn, nhưng những hôm nước ở hẻm ngập sâu, tôi cũng không vào nhà được, phải tá túc ở nhà người thân, đợi khi nào nước rút cạn mới về. Kiểu này chắc phải bán nhà” - ông Định buồn bã nói.
Sát nhà ông Định, hộ có nền nhà thấp đang hối hả thi công nâng nền. Anh Hoàng - người thuê căn nhà này - kể: “Có hôm đang ngủ, nghe tiếng mưa không lớn lắm, vậy mà nước cũng tràn vào nhà làm ướt hết mùng mền, chiếu gối. Nhà chỉ có cái tủ quần áo, kệ đựng đồ đạc là có giá trị nhưng đã bị ngập, hư hết.
Căn nhà không có gác nên hôm nào bị ngập, tụi tôi phải ra khách sạn thuê phòng ở đỡ. Sau cơn mưa lớn vừa rồi (chiều 19/5), nước ngập suốt mấy ngày nên ông chủ phải kêu thợ nâng nền nhà lên”.
Chấp nhận thuê căn nhà nhỏ nói trên vì muốn ở gần chỗ làm, nhưng mới được một năm, anh Hoàng đã thấy ám ảnh: “Mùa mưa năm ngoái, hẻm này bị ngập liên miên. Lúc đó, thấy mấy hẻm xung quanh được nâng lên nên tôi cũng ráng chịu đựng, hy vọng hẻm này cũng được nâng theo. Nhưng đến giờ, hẻm vẫn thấp trũng như vậy, mưa xuống là ngập. Có hôm tôi nằm ngủ, mơ thấy cảnh nước tràn vào gây nhiễm điện, giật bắn mình, toát cả mồ hôi”.
|
Hẻm 48 đường Lâm Hoành, P.An Lạc, Q.Bình Tân thường xuyên bị ngập trong nước đen - Ảnh: T.Đ. |
Là người sống lâu năm ở con hẻm trên, ông Định cam đoan rằng, từ năm 2017 đến nay, sau khi đường Kinh Dương Vương được nâng cao để chống ngập, hẻm thường xuyên bị ngập úng. “Do đường nâng cao nên hẻm trũng thấp, nước từ các nơi dồn về, nước đen từ dưới cống cũng trào lên, hôi thối không chịu nổi. Mới vào đầu mùa mưa mà tôi đã không nhớ nổi bao nhiêu lần hẻm này bị ngập, vậy thì thời gian tới, mức độ ngập còn khủng khiếp cỡ nào”.
Ông Định chua chát nói thêm: “Ngập đường thì lâu lắm cũng vài giờ, còn ngập hẻm thì kéo dài ba bốn ngày, nước đen ngòm như thế thì làm sao chịu nổi. Nếu ngập đường khổ một thì ngập hẻm khổ gấp mười”.
Qua khảo sát, UBND P.An Lạc nhận định, do đường Lâm Hoành có cao độ thấp hơn đường Kinh Dương Vương, hệ thống cống thoát nước bị đọng bùn nên nước thoát chậm khiến hẻm 48 bị ngập. Cũng theo khảo sát của UBND P.An Lạc, hiện nay, trên đường Lâm Hoành (đường nhỏ nối vuông góc với đường Kinh Dương Vương) có 14 tuyến hẻm bị trũng thấp, thường xuyên bị ngập khi có mưa kết hợp với triều cường.
Hàng trăm con hẻm chờ ngập
Theo dõi danh sách điểm ngập sau các trận mưa từ đầu năm 2018 đến nay, chúng tôi nhận thấy, điểm ngập chỉ được tính cho các trục đường lớn, trong khi, theo báo cáo của các quận, huyện, tình trạng ngập hẻm hiện vẫn còn rất nhiều. Đơn cử, tại Q.6, dù đã đầu tư rất nhiều công trình chống ngập trong các năm qua, nhưng hiện vẫn còn 26 tuyến hẻm và đường nhỏ bị ngập, cần đầu tư nâng cấp với kinh phí đầu tư ước tính hơn 110 tỷ đồng.
Tiêu chí “tụ nước” chỉ dùng cho thiết kế mặt đường
Ông Ngô Quang Mãnh cho biết, tiêu chí đánh giá ngập được quy định tại văn bản số 338/BXD-KTQH ngày 10/3/2003 của Bộ Xây dựng có thể được hiểu như sau: đường bị ngập trong mưa với mức độ ngập dưới 30cm, thời gian ngập kéo dài không quá 30 phút thì không tính là ngập. Tuy nhiên, đây chỉ là quy chuẩn dùng để xác định mức độ ngập cho phép trên mặt đường khi thiết kế công trình thoát nước, do vậy, không nên dùng để tính điểm ngập trên thực tế.
“Mặt đường có thể ngập ở mức dưới quy chuẩn nhưng nếu nhà dân dọc đường và nhà dân trong hẻm vẫn bị ngập thì làm sao nói không ngập được? Nếu nói đường chỉ “tụ nước”, không bị ngập, nhưng trên thực tế đường bị ngập, xe cộ bị chết máy thì kỳ quá” - ông Mãnh nói.
|
Theo thống kê từ 24 quận, huyện, toàn TP.HCM hiện có hàng trăm tuyến hẻm và đường nhỏ bị ngập, nhưng sẽ không có tên trong danh sách “điểm ngập” như cách tính hiện nay, tức sẽ chịu ngập dài dài.
Mỗi lần thấy trời kéo mây đen, người dân ở các tuyến hẻm và đường nhỏ quanh đường Cây Trâm (tên mới là đường Nguyễn Văn Khối), Q.Gò Vấp lại đứng ngồi không yên. Năm ngoái, nhiều tuyến hẻm ở đây từng bị ngập liên tục trong ba ngày, chính quyền địa phương phải nhờ Công ty Thoát nước đô thị đưa xe chuyên dụng xuống hút nước.
Sau những đợt ngập nặng trong mùa mưa 2017, UBND Q.Gò Vấp đã kiến nghị cần sớm thực hiện dự án nâng cấp chống ngập các đường Cây Trâm, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ cũng như các tuyến hẻm quanh những tuyến đường này. Thế nhưng đến nay, theo ghi nhận của chúng tôi, ở các khu vực trên, vẫn chưa có công trình nào được khởi công.
Theo thống kê của Trung tâm Chống ngập TP.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay, TP.HCM có bốn đợt mưa gây ngập. Khu vực đường Cây Trâm, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ thường xuyên bị ngập, nhưng chỉ có đường Cây Trâm được xác định là “ngập”, các tuyến đường còn lại chỉ được xác định là “tụ nước”.
Mặt khác, dù khu vực này đã bị ngập nghiêm trọng trong nhiều năm qua nhưng hiện mới được Trung tâm Chống ngập kiến nghị UBND TP.HCM bố trí vốn để thực hiện dự án trong thời gian tới.
“Qua theo dõi các dự án chống ngập trong thời gian qua, tôi thấy các dự án ưu tiên cho trục đường lớn, còn tình trạng ngập ở đường nhỏ và hẻm ít được chú ý. Trong khi đó, trên thực tế, ở đường nhỏ và hẻm nhỏ, mức độ ngập và mức độ ảnh hưởng đến đời sống người dân có thể nghiêm trọng hơn vì thời gian ngập kéo dài, đồ đạc của người dân bị hư hại nhiều hơn” - ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý thoát nước Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhận định.
Kỹ sư Lê Thành Công - người có nhiều năm tham gia tư vấn cho các công trình chống ngập tại TP.HCM - cũng cùng chung nhận định: “Tôi thấy TP.HCM thực hiện toàn những dự án lớn, tốn rất nhiều tiền. Những dự án nâng đường lớn để chống ngập như thế dù tốn rất nhiều tiền nhưng chỉ giải quyết được tình trạng ngập nước trên mặt đường, còn sau khi đường nâng cấp gây ngập hàng loạt tuyến hẻm lân cận thì lại ít được quan tâm, dù cuộc sống người dân rất khổ sở”.
Không thể nói “chống ngập hiệu quả”
Dù ở nhiều nơi, người dân kêu ngập nhưng theo báo cáo mới nhất gửi cho UBND TP.HCM (ngày 25/5), Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho rằng, công tác chống ngập trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả. Cụ thể, theo trung tâm này, tính từ năm 2008 đến nay, đã xóa được nhiều điểm ngập nặng như khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Bình Thới, Bến xe Chợ Lớn, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ vòng xoay Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè), Kinh Dương Vương, Lê Lai, Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt...
Theo kỹ sư Công, rất khó xác định hiệu quả chống ngập nếu chỉ tính điểm ngập dựa trên các trục đường lớn và tập trung nâng đường chống ngập như trong thời gian qua. “Muốn chống ngập, phải tính hết tình trạng ngập, từ ngập nhà dân đến ngập hẻm, ngập đường nhánh rồi đường lớn. Chỉ tập trung nâng đường lớn rồi cho rằng đã xóa ngập hiệu quả, là không thuyết phục.
Muốn chống ngập, phải phân theo khu vực, lưu vực chứ chỉ chống ngập theo mặt đường với phạm vi hẹp như thế là chưa ổn. Mục đích chống ngập là để người dân có điều kiện sống tốt hơn, còn đường lớn hết ngập mà hẻm ngập nặng hơn thì có thể gây ra lãng phí lớn” - ông Công phân tích.
Ông Ngô Quang Mãnh cũng cho rằng, cần phải xác định lại điểm ngập thì mới biết được hiệu quả chống ngập: “Theo tôi, nên xác định điểm ngập cụ thể, như trên lưu vực A có bao nhiêu đường lớn, đường nhỏ, tuyến hẻm bị ngập, bao nhiêu nhà dân bị ảnh hưởng; sau một thời gian thực hiện chống ngập, mới đánh giá được hiệu quả cụ thể. Còn với cách tính điểm ngập theo trục đường như hiện nay, dù Trung tâm Chống ngập TP.HCM nói hiệu quả nhưng người dân vẫn bức xúc, vì họ thấy nhiều khu vực vẫn còn ngập liên miên”.
Ngập nhiều ngày, vẫn nằm ngoài danh sách “tụ nước”
Theo UBND Q.Bình Tân, sau khi đường Kinh Dương Vương được nâng cao, ít nhất có hơn 40 tuyến đường nhánh và hẻm nhỏ dọc theo trục đường này bị trũng thấp, có nguy cơ ngập. Đến nay, vẫn còn nhiều hẻm dọc tuyến đường này chưa được nâng cấp. Thế nhưng, những khu vực này lại không có tên trong danh sách “điểm ngập” của TP.HCM.
Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Chống ngập TP.HCM, sau đợt mưa lớn vào chiều tối 19/5, toàn thành phố chỉ có 10 điểm ngập, gồm đường Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, đường số 26, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí, Quốc Hương, Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh. Trong danh sách 22 tuyến đường được Trung tâm Chống ngập TP.HCM xác định chỉ là đường “tụ nước” (không phải ngập), cũng không có tên các điểm ngập hẻm nói trên.
Trong khi đó, người dân ở hẻm 48 đường Lâm Hoành, P.An Lạc, Q.Bình Tân - nơi bị ngập đến ba ngày sau cơn mưa chiều 19/5 vừa qua - cam đoan rằng, họ đã gửi đơn phản ánh tình trạng ngập đến Trung tâm Chống ngập TP.HCM và UBND P.An Lạc, Q.Bình Tân từ ngày 4/5 và sau 20 ngày, người dân vẫn chưa nhận được phản hồi từ trung tâm chống ngập.
|
Hoàng Nhiên