Hàng tỉ USD hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam mỗi tháng qua các sàn thương mại

04/06/2024 - 17:04

PNO - Lượng hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam quá lớn, một số đại biểu quốc hội lo ngại, nếu quản lý không tốt sẽ gây thất thoát thuế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn chiều 4/6
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn chiều 4/6

4 sàn nước ngoài, trên dưới 1 tỉ USD hàng nhập khẩu

Chiều 4/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Nhiều ĐBQH bày tỏ mối quan tâm tới lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó có vấn để quản lý, chống thất thu thuế khi việc mua bán xuyên biên giới ngày càng phổ biến hơn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Bộ cũng tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế. Theo quy định, hàng dưới 1 triệu đồng không phải áp thuế GTGT và thuế nhập khẩu.

“Qua theo dõi, có 4 sàn lớn nước ngoài đang khai thác. Mỗi tháng trên dưới 1 tỉ USD hàng nhập khẩu. Điều đó đồng nghĩa một lượng lớn thuế bị thất thu thuế nếu không kiểm soát”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đầy đủ. Bộ Công thương đã tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Tổng cục thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6/2014.

Bộ cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Cùng với đó là việc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.

Hàng nhái, hàng giả bủa vây thương mại điện tử

ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng lo
ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng lo hàng giả, hàng nhái tấn công người tiêu dùng khi mua bán online

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TPHCM) cho biết, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đang lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ. Bộ trưởng có biện pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng?

Trong khi đó, ĐBQH Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) lại lo lắng về tình trạng lộ lọt thông tin, mất an toàn dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng Bộ Công thương đã nhận diện rõ vấn đề này. Bộ đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật, trong đó có bổ sung nhiệm vụ tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Thời gian tới, để khắc phục tình trạng này Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử. Cùng với đó, Bộ sẽ đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật; yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sản giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Ông cũng thừa nhận, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ sẵn sàng “đổ” vào trong nước ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân và kinh doanh của các cá nhân, đơn vị trong nước. Bộ đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ Công thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.

Riêng trong năm 2023, Bộ đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI