Hàng Tết nhuộm nỗi lo phẩm màu bẩn

31/01/2018 - 08:00

PNO - Tết đến, các vụ ngộ độc thực phẩm đe dọa tính mạng, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa đặc biệt gia tăng.

Đây là thời điểm nguyên liệu chế biến, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan trên thị trường. Đặc biệt, phẩm màu trôi nổi, giá rẻ đang rất “sốt” hàng để nhuộm màu cho đủ loại thực phẩm, khiến nhiều mặt hàng thực phẩm ngày tết đang phải “nhuộm” nỗi lo.

Hang Tet nhuom noi lo pham mau ban
Phẩm màu được pha trong các thùng nhựa loang lổ như thùng pha sơn

Pha phẩm màu như… pha sơn

Trong “xưởng” sản xuất rộng chỉ hơn 10m2 của một cơ sở chế biến kẹo dẻo tại khu công nghiệp Dương Liễu (Hoài Đức, TP. Hà Nội), năm công nhân thoăn thoắt đảm nhận từng công đoạn chế biến kẹo mạch nha. Ít ai ngờ, hầu hết các công đoạn này đều được thao tác thủ công, không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng mỗi ngày cơ sở này có thể xuất ra thị trường hàng chục tấn kẹo.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đặt các loại kẹo dẻo như ngô, xoài, dừa, một công nhân nhanh nhảu: “Muốn đặt loại nào cũng có. Đồng giá 20.000 đồng/kg”. Vừa nói, anh này vừa đổ một cốc nước đỏ ối vào chiếc máy nấu nha đang sôi. Chỉ chục giây sau, cả nồi chứa nguyên liệu kẹo dẻo từ màu vàng nhạt đã chuyển sang màu hồng đẹp mắt. Anh công nhân tiết lộ, thêm chút hương liệu tổng hợp, đây sẽ trở thanh mẻ kẹo dâu thơm ngon “thứ thiệt”. 

Bên cạnh khu vực nấu kẹo, trên nền đất nhớp nháp là ba chiếc thùng nhựa chứa phẩm màu loang lổ và cáu bẩn. Phía bên trong, các loại màu xanh, tím, đỏ giống như mực viết của học sinh. Còn theo cách gọi của những người công nhân, đây là các thùng “sơn nhuộm kẹo”. 

Các công nhân khá cởi mở khi nói về các công đoạn làm kẹo. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc và cách pha chế của những loại “sơn” này thì công nhân trong xưởng lắc đầu: “Đây là loại bột màu, sau khi pha với nước lã sẽ thành như thế này. Tỷ lệ cụ thể như thế nào thì bọn mình không được làm trực tiếp mà do chủ cơ sở pha sẵn. Nghe nói chỉ cần một lạng bột màu có thể pha và nhuộm được một tấn kẹo thành phẩm”. 

Nhìn một vòng xung quanh xưởng, ngoài những thùng “sơn nhuộm kẹo”, chúng tôi còn phát hiện ra rất nhiều can nhựa 2 lít và 5 lít đóng sẵn, trên đó có ghi màu theo loại kẹo pha chế như: dâu tây, bạc hà, xoài…

Hang Tet nhuom noi lo pham mau ban
Một bệnh nhi ở Bệnh viện Bạch Mai nghi ngộ độc từ phẩm màu làm thịt bò khô

Công nhân tại xưởng cũng cho hay, phẩm màu chỉ có một số màu cơ bản như đỏ, cam, xanh, vàng. Nếu muốn tạo ra các màu sắc khác thì có thể pha trộn các màu lại với nhau hoặc làm đậm thêm màu bằng cách đổ thêm nhiều phẩm màu cho đến khi quện dính hết vào sản phẩm. 

“Ví như kẹo dâu kia, nếu khách muốn màu hồng hơn thì bọn mình có thể chỉnh thêm nhưng phải đặt với số lượng vài tạ”, công nhân chỉ cho chúng tôi xem thành phẩm tại khu vực chế biến sau khi kẹo đã được đổ thành khuôn. Ở đó, một chị công nhân đang thoăn thoắt dùng tay trần đảo kẹo trên một bàn lưới để kẹo nguội, trước khi đưa vào đóng gói.

Nguy cơ “ngộ độc trường diễn”

Không khó để có thể mua các loại bột màu để nhuộm thực phẩm như chúng tôi đã chứng kiến ở “thủ phủ hàng gia công” Dương Liễu. Tại cửa hàng đồ khô bên cạnh chợ Hà Đông, khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua phẩm tạo màu cho món thịt bò khô, chủ cửa hàng tư vấn: “Em có thể dùng hạt điều cho lên màu đỏ, tuy nhiên màu sắc sẽ không đẹp bằng bột “Hiên Nhật”. 

Bà chủ hàng giới thiệu và đưa cho chúng tôi một túi ni-lông dán vẻn vẹn một dòng chữ “Hiên Nhật” trên bao bì, trong đó là hàng chục gói nhỏ đã được chia sẵn và buộc lại sơ sài bằng một sợi dây. Tất cả đều không ghi nguồn gốc, địa chỉ sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng. “Một gói này dùng cho cả trăm cân thịt bò, mỗi lần làm vài cân thì ang áng lấy một thìa nhỏ thôi rồi điều chỉnh độ đậm nhạt theo ý của mình”, bà chủ hàng trả lời qua quýt khi chúng tôi hỏi cách pha chế. Dù đủ để nhuộm hàng trăm cân thịt như giới thiệu, nhưng giá bán lẻ của mỗi túi bột màu đỏ này chỉ 10.000 đồng.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm cho biết, đối với thực phẩm, việc quy định sử dụng chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt. Trong đó, chỉ được sử dụng với các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.

Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp vì lợi nhuận đã sử dụng chất màu công nghiệp để thay thế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ông Thịnh dẫn chứng, chất Rhodamine B vốn là màu được dùng trong ngành thủy văn để phát hiện dòng thủy lưu, nhưng chất này lại được lạm dụng để tạo màu cho bột ớt. Kết quả là sản phẩm lên màu rất đẹp nhưng khi ăn vào dễ xảy ra ngộ độc.

Cũng theo vị chuyên gia này, có rất nhiều loại phẩm màu công nghiệp nên không dễ để phân tích ra chúng độc hại như thế nào. Hầu hết các “chất độc” này sẽ đi vào cơ thể và gây ra “ngộ độc trường diễn”- tức tích tụ dần dần trong cơ thể. Cụ thể như Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ từ lâu đã cấm một số chất tạo màu như Blue 1 và 2, Red 3… vì nghi gây ung thư khi thí nghiệm ở chuột. 

Ngày 29/1 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa tiếp nhận một ca bệnh ngộ độc nặng và tan máu nghi do sử dụng thực phẩm sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc. Theo đó, cháu Dư Gia H. (8 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nước tiểu có màu đỏ và thiếu máu cấp. Sau khi thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán có cơn tan máu điển hình. Sàng lọc tất cả các nguyên nhân tan máu, các bác sĩ nghi ngờ tan máu do nhiễm độc. 
Theo các bác sĩ, khai thác tiền sử thấy trẻ không có gì đặc biệt, gần đây không đi đâu xa, không dùng thuốc gì… Tuy nhiên, trước khi vào viện ba ngày, trẻ có ăn thịt bò khô nhà tự làm, dùng phẩm màu không rõ nguồn gốc. Gia đình cháu có một chị họ cũng ăn cùng loại và có biểu hiện tương tự, nhưng nhẹ hơn.
Trước ca bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Lê Thị Lan Anh - Phó khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai  khuyến cáo người dân không ăn các món ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các món ăn có sử dụng phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt. Đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán là thời điểm hay xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm..  


Tuấn Minh - Trường An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI