Ngon, rẻ, tiện lợi?
Hơn 17g, trong lúc đợi con tan học, chị Nguyễn Thị Anh Đào (quận 3, TPHCM) bước sang đường mua 1 ổ bánh mì thịt, 1 chai nước suối, để khi con gái ra khỏi cổng trường, lên xe là có đồ ăn ngay. “Vừa đi vừa ăn mới tiết kiệm được thời gian. 18g cháu phải có mặt ở trung tâm tiếng Anh mà đường thì đông xe. Nếu vào quán ăn sẽ không kịp giờ” - chị Đào nói.
|
Bác sĩ Phạm Văn Quang thăm khám cho một bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì |
Theo chị Đào, hầu hết các bữa ăn chiều của con gái đều trên xe, đằng sau lưng mẹ. Đồ ăn là bánh mì, bánh bao, bánh tráng trộn, khoai tây lắc, cá viên chiên… kèm chai nước suối. Chị mua cho con ăn vì con khen ngon và thích ăn. Những ngày qua, nghe tin 15 học sinh ở TP Thủ Đức nhập viện nghi do bị ngộ độc cơm cuộn và hơn 500 người ở Đồng Nai nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… sau khi ăn bánh mì, chị Đào có lo lắng, nhưng chưa thể tìm ra cách để cải thiện bữa ăn cho con.
Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Trần Kiều Oanh (quận 5, TPHCM) cũng chọn các hàng quán gần trường cho con ăn để kịp giờ vào lớp học tăng cường, học vẽ, học võ… Nhưng từ khi xảy ra các vụ ngộ độc, chị Oanh cảm thấy bất an, nên không để con ăn thức ăn trên các xe đẩy nữa mà tìm quán có bàn ghế. Thế nhưng, quán ăn chị Oanh chọn cũng chỉ là một chiếc xe đẩy tự phát đặt sát góc đường, gần miệng cống thoát nước, bàn ăn và chậu rửa chén bát đặt cách nhau vài mét.
Thức ăn dư thừa được đổ thẳng xuống miệng cống hôi hám, ruồi nhặng bu quanh. “Quán này 2 mẹ con tôi ăn nhiều lần rồi, nấu ngon, không bị đau bụng, bún thịt thì nấu chín, nồi nước dùng rất sôi, ăn ở đây cũng tiện đường đi qua lớp học tiếp theo của cháu. Tôi nghĩ, chỉ cần không ăn rau sống của quán là được” - chị Oanh nói.
Phần đông phụ huynh chọn lựa những thứ đồ ăn được chế biến ngay tại cổng trường, hoặc đồ ăn để sẵn trong hộp giấy, bịch ni lông… mà ít quan tâm đến các yếu tố khác như nơi bày bán có sạch sẽ hay không, có gần nơi để rác hay những hoạt động phát sinh khói bụi…
Khi được hỏi về nguồn gốc nguyên liệu để chế biến các loại đồ ăn bán cho học sinh, không ít người bán tỏ ra khó chịu; một số người cho biết họ mua ở chợ, hoặc lấy thức ăn làm sẵn theo dạng bỏ sỉ từ người khác và cũng không thể biết có an toàn hay không.
Chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết đang nóng bức là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, làm cho đồ ăn dễ bị ôi thiu, gây nguy cơ ngộ độc rất cao. Vì vậy, phụ huynh không nên chủ quan cho con ăn ở những nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - nếu bị ngộ độc thực phẩm, triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc 1-2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm nhẹ thì gây mệt mỏi, suy kiệt thể chất, nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, tử vong. Vì vậy, cảnh giác cao với ngộ độc thực phẩm là điều hết sức cần thiết. Trước khi cho con ăn uống, người lớn phải kiểm tra xem thực phẩm có bị ôi thiu không. Sau khi ăn, cha mẹ cũng nên theo dõi sức khỏe của con trong vòng 62 tiếng. Nếu bé xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt… thì nên đánh giá tình trạng của bé để có những xử lý đúng cách, kịp thời.
“Nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn giữa rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm. Khi trẻ nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, phụ huynh thường hiểu đó là rối loạn tiêu hóa. Nhưng nếu là ngộ độc thực phẩm thì trong đồ ăn có vi trùng. Độc tố của vi trùng sẽ xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng. Càng chần chừ đưa trẻ đến bệnh viện thì càng làm cho trẻ rơi vào nguy hiểm, khả năng trụy tim mạch do mất nước, dẫn đến tử vong cao. Chính vì vậy, nếu phụ huynh không đánh giá được tình trạng của trẻ, tốt nhất hãy đưa con đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và điều trị cho bé” - bác sĩ Phạm Văn Quang nói thêm.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - cho biết: nhiều phụ huynh lo lắng, yêu cầu về an toàn thực phẩm từ bếp ăn trường học rất cao, nhưng lại quên kiểm soát trẻ ở các hàng quán trước cổng trường. Bởi trẻ em nào cũng thích ăn quà vặt, thậm chí người bán còn khuyến mãi đồ chơi để thu hút trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần giải thích để trẻ chủ động nói không với đồ ăn trước cổng trường. Nếu được, hãy chuẩn bị đồ ăn, nước uống cho con mang theo đi học. Tuyệt đối không nên cùng con ăn ở những hàng quán mà không rõ về nguồn nguyên liệu chế biến. Tốt nhất, hãy chọn các quán ăn đã được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Trong các bữa ăn gia đình cũng vậy, người nấu nên rửa thật sạch nguyên liệu, vệ sinh tay, bếp sạch sẽ. Nên nấu vừa đủ, ăn ngay sau khi nấu chín. Trường hợp thức ăn dư, hãy đậy kín để tránh ruồi đậu vào, bảo quản trong tủ lạnh. Nếu thức ăn có mùi, vị lạ thì hãy bỏ đi nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm” - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm chia sẻ.
Báo cơ quan chức năng khi phát hiện nơi bán đồ ăn không an toàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, nhằm chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ, người dân cần chọn lựa và sử dụng thực phẩm tươi mới, an toàn, nấu chín kỹ thức ăn, rửa tay thật sạch trước khi chế biến. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng thì cần phải giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Thức ăn nấu chín không đặt cạnh thịt, cá, đồ ăn sống, tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Người tiêu dùng phản ánh cho các đơn vị chức năng ngay nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người. |
Phạm An