Bàn tay mà ta thương:

Hàng phi lao can trường

14/08/2021 - 08:17

PNO - Hình ảnh đôi bàn tay xấu xí và đáng sợ của một nhân viên y tế được chia sẻ mạnh mẽ những ngày qua trở thành một biểu tượng đẹp đẽ nhắc nhở chúng ta ghi nhớ những ngày tháng kỳ lạ này của đất nước.

Khi tất cả tai ương qua đi, cuộc sống trở lại bình thường, chúng ta sẽ phải biết ơn đôi bàn tay của những con người đã hồi sinh cuộc sống từ chết chóc.

Bạn đã từng có một đôi bàn tay để mà yêu thương, để mà biết ơn như thế?

Đã mấy ngày nay, tôi ngồi thật lâu nhìn hình ảnh bàn tay của các nhân viên y tế được chia sẻ trên mạng xã hội. Bàn tay đeo găng quá lâu, nhăn nhúm hệt như một chiếc lá rụng mà cái nắng cái gió đã làm cho khô héo, chỉ cần chạm nhẹ cũng đủ tan ra từng mảnh nhỏ.

Chưa bao giờ tôi nghe sự bất lực của ngôn từ rõ đến vậy. Mọi xúc cảm chỉ còn đọng lại duy nhất cử chỉ: cúi đầu. Cúi đầu vì ngưỡng mộ, vì xúc động và mang ơn.

Tôi tưởng tượng công việc của họ trong 24 giờ mỗi ngày, suốt gần 60 ngày qua. Đó hoàn toàn không phải là công việc của một cô giáo như tôi - bài hôm nay không chấm kịp để ngày mai; không phải của một người thợ - viên gạch này không xây ngày mai có thể cố một chút; càng không phải của một người nông dân - cây này không khỏe có thể nhổ bỏ, mùa này không bội thu ta đợi mùa sau mà đó là sinh tử, là mạng sống của đồng loại.

Đó là bản năng cứu người như một sứ mệnh mà những người từng đọc vang lời thề Hippocrates: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng không phải điều trị một cơn sốt hay sự phát triển của một khối u mà là đang điều trị một con người… Tôi sẽ luôn nhớ rằng mình vẫn là một thành viên của xã hội với những nghĩa vụ đặc biệt cho đồng bào của tôi…” ắt hẳn sẽ mang theo bên mình mãi mãi, chừng nào còn khoác trên người chiếc áo blouse trắng.

Gói mình trong những bộ đồ bảo hộ kín bưng, họ giấu bàn tay nhăn nhúm trong cặp găng cao su; giấu những âu lo khi bệnh nhân nặng lên từng ngày, nhiều thêm từng ngày; giấu những mệt mỏi tưởng chừng như không còn gượng nổi của bản thân; giấu trái tim thương yêu, lo lắng, thấp thỏm cho chính người thân của mình…Tôi luôn tự hỏi: Lấy sức ở đâu mà họ có thể làm nổi?

Mùa dịch, nhận được lời hỏi thăm, trái bầu, dăm củ khoai, vài quả cam từ bạn bè hay người thân đã nghe được thương trào nước mắt. Hàng vạn đồng bào bình an từ những bàn tay can trường ấy - những bàn tay khác nào bàn tay người Việt mấy ngàn năm cày sâu cuốc bẫm, dời non mở cõi… khi xưa.

Có những thời khắc trong đời mình, tôi nghĩ cứ để cho cảm xúc làm nhiệm vụ của nó. Nếu phải khóc khi nhìn đôi tay ấy cầm ổ bánh mì ăn vội, bế một em bé trong đêm, che dù cho một người già trong mưa, vẫy chào người thân và theo đoàn xe chữ thập đỏ chạy xuyên đêm từ miền Bắc, miền Trung vào Nam… thì xin cứ việc.

Giọt nước mắt thương yêu chưa bao giờ đẹp đến thế và nếu rơi, chúng sẽ lau sạch những ích kỷ tầm thường của chúng ta.

Cuộc sống của loài người thật kỳ lạ. Hạnh phúc hay tai ương luôn đến như một tất yếu. Tự khắc cũng như một điều tất yếu, luôn có những con người trong thời điểm nào đó như hàng phi lao oằn mình, có khi tả tơi, có khi gãy ngang nhưng vẫn kiên cường chắn sóng chắn gió để đằng sau đó, mọi việc được bình an.

Chúng ta, bây giờ, là những con người đang ở đằng sau hàng phi lao can trường ấy. Ngưỡng mộ, xúc động, hàm ơn thôi chưa đủ. Hãy làm tất cả bằng khả năng của mình để hỗ trợ, bảo vệ họ. Chí ít là giữ bản thân cho an toàn, khỏe mạnh, lan truyền cho nhau nguồn năng lượng tích cực. Đó là một sứ mệnh - sứ mệnh từ trái tim. 

Triệu Vẽ

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI