Giá rẻ, thông tin sơ sài
Trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, một cửa hàng trương bảng hiệu màu vàng cỡ lớn ghi “tất cả sản phẩm 19k” (19.000 đồng). Chúng tôi ghé cửa hàng này lúc 16g ngày thường nhưng bên trong có khá đông khách, đa phần là giới trẻ. Cửa hàng này bày bán hàng trăm mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc, gồm đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi trẻ em, hàng may mặc, đồ gia dụng, giá chỉ bằng phân nửa so với hàng Việt Nam.
|
Khách mua sắm ở cửa hàng 19.000 đồng trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp |
Đa số khách chọn mua tô, chén, dĩa, ly làm bằng sành, sứ, thủy tinh có thiết kế đẹp mắt, hoa văn hiện đại. Cầm 1 cái tô cỡ lớn (đường kính mặt hơn 20cm), chúng tôi cảm nhận nó khá nhẹ. Dưới đáy tô có nhãn phụ ghi: “Tô sứ, xuất xứ Trung Quốc, Công ty TNHH S.D. Việt Nam nhập khẩu và phân phối, địa chỉ…”. Nhãn phụ này sai quy định bởi không có hướng dẫn sử dụng, thành phần nguyên liệu, tên đơn vị sản xuất. Một số sản phẩm khác không có nhãn phụ hoặc dán bừa nhãn phụ bằng chữ Trung Quốc.
Khá nhiều bạn trẻ ngồi bệt ở khu trưng bày son, phấn, kẻ mắt, nước hoa, trang sức, phụ kiện làm đẹp, dầu gội, kem đánh răng… để lựa hàng. Nhiều nhãn hiệu nước hoa na ná các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới, như chai nước hoa hiệu CoCo Eau De Parfum Perfume Paris có vỏ hộp khá giống nhãn hiệu nước hoa CoCo Chanel (Pháp). Nhãn phụ trên sản phẩm nước hoa cũng khá sơ sài: “Nước hoa CoCo EDP, xuất xứ Trung Quốc, Công ty TNHH S.D. Việt Nam nhập khẩu và phân phối”.
Son, phấn, kẻ mắt, thậm chí các sản phẩm thuộc nhóm chất tẩy rửa (theo quy định phải có nhãn cảnh báo) cũng có nhãn phụ ghi thông tin sơ sài, người dùng không thể biết các sản phẩm này có chứa thành phần gì, có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không, cách sử dụng an toàn, cảnh báo về những trường hợp khẩn cấp…
Gần cửa hàng trên, còn có một cửa hàng khác bày bán các sản phẩm tương tự, đồng giá 19.000 đồng, cũng thu hút đông khách. Nhiều sản phẩm tẩy rửa tại đây không có nhãn phụ, các sản phẩm khác có nhãn phụ nhưng thông tin trên nhãn chung chung, như nước xả vải Sock Cleaner có nhãn ghi: “Nước xả, thành phần chất làm mềm vải, tránh nhiệt độ quá cao, xuất xứ Trung Quốc, phân phối bởi Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T.P. Việt Nam”. Một số dòng kem đánh răng có ghi thành phần nhưng cũng chung chung như “chất mài mòn, chất fluoride và chất tẩy rửa”.
Trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) cũng có siêu thị đồng giá 19k. Còn ở quận 7, có cửa hàng đồng giá 10k (10.000 đồng). Các siêu thị, cửa hàng này bán hàng nhập từ Trung Quốc, thông tin về nguồn gốc, chất lượng, thành phần trong sản phẩm cũng không đầy đủ. Những nơi này thu hút khách do được một số tiktoker có tiếng đến đánh giá, quay video đăng lên mạng xã hội TikTok.
Mối lo cho doanh nghiệp và người tiêu dùng
Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TPHCM - cho rằng, các sản phẩm giá rẻ này chỉ thuộc 3 dạng: bị lỗi, xuất khẩu thừa, không theo các quy chuẩn sản xuất an toàn. Trừ nhóm sản phẩm xuất khẩu thừa ra, 2 nhóm còn lại sẽ không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực, máy móc, công nghệ để làm ra sản phẩm đạt chất lượng theo tất cả các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không thể làm ra sản phẩm vừa đạt chất lượng, vừa có giá quá rẻ như vậy.
Ông nói: “Các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công thương, y tế cần phải lưu ý đến các sản phẩm giá rẻ này để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt”.
Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do nên thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm giảm về 0%, dẫn đến giá bán rẻ. Ở các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Hàn Quốc, Ấn Độ, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm cũng 0% nhưng để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, họ đang áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo ông, hàng hóa nhập khẩu từ nước nào cũng phải đảm bảo chất lượng. Việc cho bày bán các sản phẩm nhập khẩu không rõ xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng sẽ ảnh hưởng rất xấu đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - nguyên giảng viên Trường đại học Bách khoa TPHCM - nhận định có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhãn phụ sản phẩm ghi thông tin sơ sài: do doanh nghiệp không đủ chuyên nghiệp để biết rằng mình cần phải công khai mọi thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng; doanh nghiệp biết sản phẩm có vấn đề nên cố tình che giấu thông tin. Nếu không ghi rõ thành phần, không ghi tiêu chí chất lượng thì sản phẩm đó không đáng tin, chất lượng không đảm bảo hoặc hàm lượng nguyên liệu cấu thành sản phẩm bị cắt bớt để tối ưu hóa chi phí.
“Nhìn chung, các chất tẩy rửa và hương liệu thường tồn dư những kim loại nặng, những hóa chất độc hại, những chất ngưng tụ đa màu, về lâu dài đều có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng. Nếu sản phẩm không có nhãn mác rõ ràng, người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi mua để đảm bảo sức khỏe” - ông nói.
Đồ gốm không đạt chuẩn có thể gây nhiễm độc chì Theo tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách khoa Hà Nội), thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các sản phẩm gốm, sứ có hoa văn càng sặc sỡ, càng rẻ tiền thì hàm lượng chì càng lớn. Để làm ra sản phẩm gốm, sứ, phải nung ở nhiệt độ từ 1.200-1.500 độ C. Để sản phẩm có hoa văn, bề mặt bóng, giữ được màu đẹp, giảm nhiệt độ và thời gian nung, nhà sản xuất thường thêm chì vào. Nếu nung ở nhiệt độ cao, pha chế đúng hàm lượng thì chì sẽ bị khóa chặt, ngược lại thì chì sẽ bị giải phóng, nhiễm vào đồ ăn, thức uống hằng ngày, nhất là khi gặp điều kiện thuận lợi như đựng đồ ăn nóng, chua, có tính kiềm, có muối. “Nếu không đạt tiêu chuẩn, các sản phẩm này có thể gây nhiễm độc cho người dùng” - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nói. |
Thanh Hoa - Hà Giang