Hàng nhái, hàng độc online…

02/01/2018 - 11:00

PNO - Lâu nay, nguồn gốc và chất lượng hàng hóa vẫn là hai mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi mua hàng online. Càng tệ hơn khi giờ đây hàng nhái, hàng giả, hàng cấm, hàng độc hại đang nhan nhản trực tuyến.

Từ hàng nhái, hàng giả…

Một anh bạn admin công nghệ mới đây "tri hô" trên Facebook rằng sạc nhái đế sạc nhanh không dây đang được bán vô tư trên hệ thống thương mại trực tuyến nổi tiếng L.

Hang nhai, hang doc online…
 

Liệu có thể là hàng thật chính hãng không khi chiếc đế sạc nhanh không dây dạng đứng Samsung EP-NG930BBEGWW được chào bán với giá 280.000 đồng (có cẩn thận chú thích rằng giảm 44% so với giá chính hãng là 500.000 đồng). Trong khi đó, chiếc đế sạc này đang được bán chính thức tại Viễn Thông A với giá 999.000 đồng và tại Nguyễn Kim với giá 1.029.000 đồng.

Hang nhai, hang doc online…
 
Hang nhai, hang doc online…
 

Thậm chí có đối tác bán hàng trên hệ thống L. này còn chào bán chiếc đế sạc đó với giá chỉ 240.000 đồng.

Thử tìm mua một chiếc loa Bluetooth JBL Charge 3 trên hệ thống L. này, chúng tôi thật hoang mang khi nó có mức giá khác nhau quá nhiều giữa các đối tác bán hàng. Phần nhiều là trên 3 triệu đồng (cao vào khoảng 3,4 triệu đồng), nhưng cũng không ít có giá khoảng 2,7 triệu đồng.

Đặc biệt gây sốc khi có nơi chào giá chỉ có 800.000 đồng (ghi chú là giảm 41% so với giá niêm yết 1.365.000 đồng). Mức giá chênh lệch một trời một vực đó khó lòng là hàng chính hãng.

Hang nhai, hang doc online…
 

Mà không chỉ có hệ thống L. thôi đâu, ở nhiều website bán hàng online khác cũng bày bán những món hàng khó tin là hàng thật.

… tới hàng cấm, hàng độc hại

Không phải chỉ có vấn nạn nguồn gốc và chất lượng hàng hóa đâu. Còn có những mặt hàng cấm hàng độc hại vẫn đang được bán công khai trên một số trang thương mại điện tử kìa.

Cách đây không lâu, mở mail ra, chúng tôi thấy có mẫu quảng cáo chào mời mua máy kích điện, kích cá từ trang thương mại điện tử S. Tò mò mở vào xem mới thất kinh như thể nàng Kiều thấy quan quân rần rần kéo tới (Đầu nhà gươm tuốt sáng lòa, Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.)

Trên trang shopping online có số má của Việt Nam này đang chào bán công khai các thể loại thiết bị kích điện kích cá,… Và có nhiều thứ in thiệt bự những dòng chữ Trung Hoa.

Dùng điện kích cá, xiệc cá là một hành vi diệt chủng thủy sản. Nó giết hết mọi loại thủy sản từ trong trứng nước hay mới sơ sinh… Bắt được vài ba con cá lớn, nhưng người ta tàn sát sạch sẽ các loại thủy sản khác. Đó là một trong những lý do khiến nguồn thủy sản thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long sau này kiệt quệ đi.

Một cán bộ ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: với cách đánh bắt này, các sinh vật ở dưới nước nằm trong tầm bán kính từ 2-10m đều bị hủy diệt. Những thủy sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được, mất khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn.

Không những vậy việc đánh bắt cá bằng xung, kích điện còn đe dọa đến tính mạng chính người đi đánh cá. Nhiều địa phương trên cả nước lâu nay đã xảy ra những trường hợp bị điện giật gây tử vong khi đi chích cá.

Tốt nhất là người tiêu dùng vẫn phải tự bảo vệ lấy mình. Một là chớ nên ham hàng có giá rẻ một cách đáng ngờ. Hai là tham khảo bạn bè hay các dịch vụ tư vấn, so sánh giá. Ba là chịu phiền toái kiểm tra kỹ khi hàng được giao đến tay. Bốn là chia sẻ trên mạng xã hội để giúp bạn bè không trở thành nạn nhân.

Luật pháp Việt Nam nghiêm cấm dùng điện đánh bắt thủy sản. Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản ban hành ngày 12/9/2013 có quy định cụ thể các hành vi và mức phạt.

Hành vi dùng điện đánh bắt thủy sản có Điều 15 quy định: 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (trừ hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này và việc sử dụng kích điện tại ao nuôi để thu hoạch thủy sản). 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác.)

Ngoài ra, do đây là sử dụng công cụ do nước ngoài đưa vào nên còn bị xử phát theo Khoản 3 của Điều 14 nữa (Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam để khai thác thủy sản (có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.)

Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình

Có lẽ bản thân các hệ thống thương mại điện tử này không chủ trương bán hàng nhái, hàng giả, hàng độc hại. Nhưng do phát triển quá nhanh, họ không thể quản lý chặt chẽ được các đối tác bán hàng của mình. Và trách nhiệm được đẩy về phía người mua hàng với nguyên tắc thuận mua vừa bán, có quyền không nhận hàng khi kiểm tra thực tế lúc được giao tới hay có thể gửi trả lại hàng không ưng ý trong thời hạn quy định.

Chưa rõ là các hệ thống bán hàng online này xử lý các đối tác vi phạm và đã bị người mua khiếu nại ra sao. Sẽ rất đáng sợ nếu như các mall, các chợ ảo này sợ mất đối tác bán hàng.

Cuối cùng, tốt nhất là người tiêu dùng vẫn phải tự bảo vệ lấy mình. Một là chớ nên ham hàng có giá rẻ một cách đáng ngờ. Hai là tham khảo bạn bè hay các dịch vụ tư vấn, so sánh giá. Ba là chịu phiền toái kiểm tra kỹ khi hàng được giao đến tay. Bốn là chia sẻ trên mạng xã hội để giúp bạn bè không trở thành nạn nhân.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI