Hàng nghìn kỷ lục thời tiết bị phá vỡ trong mùa đông ấm chưa từng có ở châu Âu

04/01/2023 - 16:55

PNO - Những hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2022 vừa qua, bao gồm đợt sóng nhiệt đã càn quét châu Âu,chỉ là sự khởi đầu của ngưỡng “bình thường mới”.

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm 2022 và năm 2023, hiện tượng “vòm nhiệt” mạnh bất thường giữa mùa đông đã ập đến phần lớn châu Âu, tạo ra nhiệt độ ấm chưa từng có trong tháng Giêng của cựu lục địa.

Châu Âu đón năm mới với thời tiết nóng ấm chưa từng có tiền lệ - Ảnh: Twitter Scott Duncan
Châu Âu đón năm mới với thời tiết nóng ấm chưa từng có tiền lệ - Ảnh: Twitter Scott Duncan

Từ thứ Bảy tuần trước (31/12/2022) đến thứ Hai (2/1/2023) vừa qua, trên diện tích trải dài từ vùng duyên hải nước Pháp đến biên giới phía tây nước Nga, nhiệt độ đã tăng vọt trong ngưỡng 10 đến 200C trên mức trung bình, xô đổ hàng nghìn kỷ lục thời tiết.

Cụ thể, ngay trong ngày đầu năm mới, ít nhất 7 quốc gia đã chứng kiến thời tiết tháng Giêng ấm nhất được ghi nhận khi nhiệt độ tăng lên mức mùa xuân: Latvia ghi nhận 11,10C, Đan Mạch chứng kiến mức nhiệt 12,60C, Litva trải qua nhiệt độ 14,60C, Belarus đạt được 16,40C, Hà Lan chạm ngưỡng 16,90C, Ba Lan lên tới 19,00C, và Cộng hòa Séc ghi nhận kỷ lục 19,60C.

Những chuyên gia theo dõi thời tiết trên toàn thế giới nhận định đây là đợt nắng nóng lịch sử. Các nước khu vực Đông Âu và Bắc Âu thường chỉ ghi nhận nhiệt độ trung bình trong ngưỡng 0 đến 10C vào thời điểm này trong năm. 

Ông Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học chuyên theo dõi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu, đã gọi sự kiện này là “hoàn toàn điên rồ” và “bất thường về mọi mặt” trong các tin nhắn gửi tới Capital Weather Gang, blog chuyên về thời tiết của báo Washington Post. 

Theo ông Herrera, có những số liệu nhiệt độ cao được ghi nhận vào ban đêm thậm chí còn không phổ biến vào các thời điểm giữa mùa hè trước đó. Chuyên gia khí hậu này bình luận, đây là “sự kiện khắc nghiệt nhất từng xuất hiện trong lịch sử đo đạc khí tượng châu Âu. Chưa từng có sự kiện nào tương tự.” 

Ông Guillaume Séchet, nhà khí tượng học người Pháp, đồng tình với ý kiến trên và nói thêm, Chủ nhật, 1/1 vừa qua là một trong những ngày đáng kinh ngạc nhất trong tiến trình khí hậu của Châu Âu. Ông Scott Duncan, nhà khí tượng học ở London, bình luận trên Twitter: “Thật khó để hình dung được cường độ và mức độ của đợt nắng nóng ở châu Âu hiện nay”. 

Ngay trong ngày đầu năm 2023, đã có những kỷ lục về nhiệt độ được thiết lập. Ở Ba Lan, nhiệt độ tại thị trấn Glucholazy lúc 4 giờ sáng vào khoảng 18,70C, ấm hơn cả nhiệt độ trung bình vào giữa mùa hè. Nền nhiệt ở khu vực này càng tăng thêm về ban ngày. Còn nhiệt độ đo được tại thủ đô Warsaw đạt ngưỡng 190C, vượt qua kỷ lục tháng Giêng trước đó là 5,10C.

Ở Tây Ban Nha, thành phố Bilbao ghi nhận mức nhiệt 25,10C, phá kỷ lục ngày nóng nhất trong tháng Giêng tại quốc gia này.

Ở Pháp, xã Trois-Ville chứng kiến nhiệt độ lên tới 24,90C. Đây mới chỉ là một trong số hơn 100 kỷ lục được thiết lập trên toàn nước này vào Chủ nhật vừa qua, bao gồm mức nhiệt 240C ở Dax và 18,60C ở Besançon và Châteauroux, tại các trạm khí tượng có dữ liệu từ những năm 1800. Riêng vùng Verdun có nhiệt độ lên tới 24,80C. Toàn nước Pháp đã trải qua đêm giao thừa ấm chưa từng có.

Ở Đức, xã Ohlsbach trải qua mức nhiệt 19,40C, trở thành số liệu nhiệt độ cao nhất trong ngày từng được ghi nhận ở Đức. Từ đêm giao thừa đến rạng sáng hôm sau, thủ đô Berlin ghi nhận nhiệt độ tới 160C, cũng lập kỷ lục tháng Giêng. Còn xã Bad Neuenahr-Ahrweiler đã vượt qua mức nhiệt tối thiểu trong ngưỡng cao nhất của tháng 12 ở Đức, với 15,30C.

Ở Cộng hòa Séc, cơ quan thời tiết nước này cho biết họ cũng ghi nhận đêm giao thừa ấm nhất trong lịch sử tại thủ đô Praha, với mức nhiệt 17,70C, trong tiến trình đo đạc khí tượng kéo dài 247 năm của quốc gia này. 

Ở Áo, 6 trong tổng số 9 bang của nước này đã trải qua ngày 31/12 nóng nhất từng được ghi nhận. Riêng thị trấn Aspach có nhiệt độ lên tới 18,30C.

Ở Luxembourg, xã Wormeldange chứng kiến nền nhiệt kỷ lục tháng 12 trong cả nước với 17,80C

Ở Bỉ, nhiệt độ cao nhất trong tháng 12, ở mức 17,50C, được ghi nhận tại thị trấn Diepenbeek.

Thứ Hai, 2/1 vừa qua đánh dấu ngày thứ ba hiệu ứng “vòm nhiệt” chưa từng có tiền lệ hoành hành trên diện rộng ngay giữa mùa đông châu Âu. Nhiều kỷ lục nhiệt độ theo tháng và theo ngày khác đã được thiết lập ở khu vực Đông Âu, đặc biệt là ở Đức, Hungary, Romania và Nga.

Trước đó, tổ chức National Trust chuyên về bảo tồn di sản và thiên nhiên ở châu Âu đã cảnh báo, những hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2022 vừa qua, bao gồm đợt sóng nhiệt đã càn quét châu Âu, từ Vương quốc Anh đến Đức và Thụy Sĩ, chỉ là sự khởi đầu của ngưỡng “bình thường mới”, trong tình hình hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn.

Chỉ mới mùa hè trước đó, nước Anh không chỉ trải qua tháng Bảy nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ lên tới khoảng 400C, mà còn hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng vào mùa hè trong lịch sử. 

Trường An (theo Washington Post)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI