Hàng ngàn trẻ được sinh hộ ở Nga không thể gặp cha mẹ ruột

31/07/2020 - 06:15

PNO - khoảng 1.000 em bé ra đời nhờ mang thai hộ ở Nga cho các gia đình nước ngoài đã bị mắc kẹt ở nước này do đại dịch COVID-19.

Theo nguồn tin từ tờ Guardian, khoảng 1.000 em bé ra đời nhờ mang thai hộ ở Nga cho các gia đình nước ngoài đã bị mắc kẹt ở nước này do đại dịch COVID-19 và lệnh đóng cửa biên giới quốc tế.

Cả ngàn đứa trẻ không thể gặp cha mẹ ruột

Các em bé, một số ra đời từ tháng Hai, chủ yếu được các bảo mẫu chăm sóc tại những căn hộ thuê ở Moscow, St Petersburg và các thành phố khác của Nga. Việc đóng cửa biên giới tạo thêm nhiều áp lực cho các bà mẹ mang thai hộ, vốn thường trao đứa trẻ cho cha mẹ ruột của chúng không lâu sau khi sinh. Một số hiện đang được yêu cầu cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc bổ sung tạm thời trong thời gian chờ dịch bệnh lắng xuống và tái mở cửa biên giới.

Việc mang thai hộ hoàn toàn hợp pháp ở Nga, nhưng đại dịch COVID-19 khiến cha mẹ ruột của đứa trẻ khó nhận được con sau khi đứa bé chào đời - Ảnh: Siberian Times
Việc mang thai hộ hoàn toàn hợp pháp ở Nga, nhưng đại dịch COVID-19 khiến cha mẹ ruột của đứa trẻ khó nhận được con sau khi đứa bé chào đời - Ảnh: Siberian Times

Ở cách khá xa, nhiều bậc cha mẹ tuyệt vọng tìm cách nhận con, tránh bị cắt đứt mối liên hệ ruột thịt thiêng liêng vì trước đó, từng có một cuộc điều tra hình sự gây tranh cãi chống lại các bác sĩ hỗ trợ mang thai hộ ở Nga.

Irina Kirkora - Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Kremlin về quyền con người - ước tính, khoảng 1.000 đứa trẻ được mang thai hộ cho cha mẹ ở nước ngoài ra đời kể từ tháng Hai, dựa trên một cuộc kiểm đếm các phòng khám ở Nga phục vụ cho việc mang thai hộ quốc tế. Một nhân viên y tế ở St Petersburg cũng ước tính rằng, con số không thể thấp hơn 600 trường hợp. Bà Kirkora nhận định: “Đây là một vấn đề cấp bách, những đứa trẻ đang lớn lên mỗi ngày và chúng cần cha mẹ của mình”.

Mang thai hộ nhận tiền được công nhận hợp pháp ở một số quốc gia trên thế giới, bao gồm Nga, Ukraina, Georgia và một số bang ở Mỹ. Việc phát hiện ra hàng chục em bé bị mắc kẹt tại “xưởng mang thai hộ” ở Ukraina vào tháng Năm đã thu hút sự chú ý của dư luận về cách COVID-19 ảnh hưởng đến ngành công nghiệp này.

Chặng đường gian nan

James và Ling - cặp vợ chồng người Anh gốc Hoa đến từ Thượng Hải - đang mong đợi một bé gái trong vài ngày tới. Người mang thai hộ đã được đưa vào bệnh viện ở Moscow. Đối với cặp vợ chồng này, cuộc đấu tranh nhằm tìm cách đến Nga là thử thách mới trong cuộc hành trình nhiều năm nỗ lực để có con, từ những lần thụ thai không thành công, điều trị vô sinh, đến sàng lọc y tế để tìm người mang thai hộ. Họ đã hai lần đến Moscow để cung cấp tinh trùng và trứng thụ tinh trong ống nghiệm cùng một vài lần cấy ghép phôi thất bại trước khi đón nhận tin mừng vào cuối năm 2019. Bây giờ, họ phải đối mặt với một biên giới khép kín và thông tin mâu thuẫn về cách nhập cảnh vào Nga.

Ling cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề theo thủ tục hành chính”. Cô Ling đã cùng chồng tiếp cận các quan chức Nga, Trung Quốc và Anh để cố gắng xin thị thực nhập cảnh Nga. Nhưng sự kiên nhẫn suốt nhiều tháng của họ đều không đem lại kết quả và thời gian ngày càng cấp bách hơn. Ling nói, do cô và chồng phải đối mặt với vấn đề vô sinh sau 35 tuổi nên họ quyết định nhờ người mang thai hộ.

Trường hợp của Ling nằm trong khoảng 180 gia đình người Hoa vẫn chưa thể đến Nga đón con kể từ tháng Hai. Bà Kirkora cho biết, nhiều gia đình khác đến từ Singapore, Pháp, Philippines, Argentina và Úc.

Trong một nhóm WeChat tại Trung Quốc với 150 thành viên, các gia đình khác bày tỏ nỗi đau và sự thất vọng khi bỏ lỡ những tháng đầu đời của đứa trẻ. Tuy nhiên, Nga hiện không cấp thị thực cho công dân Trung Quốc. 

Khác với trường hợp của James và Ling, các gia đình Trung Quốc thường giao dịch thông qua một đại lý với mức giá khoảng 78.000 USD, bao gồm các chuyến bay và chi phí khác. Giá trả cho các bà mẹ mang thai hộ - vốn thường đến từ các khu vực nghèo ở Nga - là từ 15.000 USD.

Đại dịch cũng có nghĩa là các bà mẹ mang thai hộ cần thêm những chi phí bổ sung, như chăm sóc tại bệnh viện. Một người mẹ sinh con vào tháng Năm nói, sự vắng mặt của gia đình cha mẹ ruột đứa bé đã khiến mọi thứ phức tạp. Bởi, nếu ở cạnh đứa trẻ quá lâu, người mẹ có thể phát triển cảm xúc và sợ viễn cảnh “bán” lại đứa con do mình đẻ ra. Vì vậy, khi được yêu cầu ở lại bên cạnh đứa trẻ, người mẹ này từ chối và giao toàn bộ việc chăm sóc cho người giữ trẻ.

Mang thai hộ hoàn toàn hợp pháp ở Nga khi người sinh con không chia sẻ bất kỳ dữ liệu sinh học nào với đứa trẻ, nhưng cũng có những thực tế gây tranh cãi quanh quá trình này. Các nhà phê bình cho rằng, luật đang thương mại hóa quá trình sinh nở và có thể dẫn đến việc lạm dụng thể chất các bà mẹ, bao gồm trường hợp sẩy thai. 

Linh La (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI