Hàng ngàn tỉ đồng của doanh nghiệp bất động sản đang “trùm mền”

29/06/2023 - 18:05

PNO - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, hiện số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước nhưng phải tạm dừng lên đến cả ngàn dự án, giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 30 tỉ USD.

Báo cáo thực trạng sức khỏe doanh nghiệp bất động sản của VARs mới đây cho thấy, giao dịch bất động sản sụt giảm trầm trọng đã khiến doanh thu của các công ty bất động sản cũng "tuột dốc không phanh". Đến nay, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 1/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm tới 20 - 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí, một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70 - 80%. VARs cũng cho biết, hiện nay, thống kê có tới hàng ngàn dự án “trùm mền” trên cả nước chờ điều chỉnh, xem xét, phê duyệt với tổng giá trị khoảng 800.000 tỉ đồng (khoảng 30 tỉ USD). 

Theo VARs, thị trường khó khăn từ giữa tháng 5/2022 đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, khó khăn thị trường. Nguyên nhân chủ quan do hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để buộc thị trường phải rơi vào trạng thái trầm lắng. 

Một dự án ở quận 7, TPHCM đang chờ tháo gỡ
Một dự án ở quận 7, TPHCM đang chờ tháo gỡ.

Dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách giúp doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ, kéo dài thời hạn trả nợ như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Thông tư 02/2023/TT-NHNN... Tuy nhiên, những chính sách này chỉ có tác động giúp các doanh nghiệp cầm chừng, các khó khăn, vướng mắc về pháp lý khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao, luẩn quẩn trong mớ bòng bong, không tìm ra lối thoát. Thay vì đóng băng tại thời điểm này thì kéo dài hơn tình trạng “thoi thóp” và chuyển sang đóng băng tại thời điểm khác. “Doanh nghiệp hiện tại cần thuốc là dự án được phê duyệt sớm, là tiền thật, để phục hồi hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Chứ không phải chỉ chuyển “nợ xấu” thời điểm này sang thời điểm khác” – VARs nhận định. 

Báo cáo cũng cho thấy, áp lực chi phí tài chính tăng cao trong khi dòng tiền khan hiếm vì không bán được hàng, không huy động được vốn từ trái phiếu, không đủ tiêu chuẩn vay vốn tín dụng... khiến sức khỏe các doanh nghiệp ngày càng suy yếu. Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường bất động sản mà còn kéo theo sự trì trệ của hàng loạt các ngành nghề liên quan khác.

Dữ liệu khảo sát của VARs với các Hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Phước Chánh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI