PNO - Liên tiếp các năm 2010, 2015, 2017 và bây giờ, giá 1kg dưa hấu bán ra không mua nổi gói tăm xỉa răng. Cũng những năm đó, khúc hát... giải cứu từ các nhóm thiện nguyện và đoàn thanh niên đã vang lên trên những cánh đồng dưa
Ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, những bãi dưa hấu hiện giờ đang nằm ngổn ngang, chủ nhân không buồn ngó, vì giá mỗi ký dưa hấu không mua nổi một gói tăm xỉa răng. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, các hộ trồng tiêu đang rục rịch nhổ tiêu để lấy rễ bán.
Hai câu chuyện có vẻ không liên quan, nhưng lại đang và có khả năng dính đến hàng loạt số phận, và cả hai đều dính đến một thị trường: Trung Quốc. Hai câu chuyện khác nhau nhưng lại phản ánh một thực trạng chung hiện nay của nông dân Việt: không được định hướng và hỗ trợ về mặt thị trường nên không thể sản xuất mang tính bền vững. Đến bao giờ, nông dân Việt Nam mới thoát khỏi những điệp khúc buồn “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản”, “phá mít trồng điều, phá tiêu trồng ổi”?
Và đến bao giờ, cái tên mộc mạc... mà cũng đầy chất thơ “Hội quán nông dân” do chính Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Minh Hoan thành lập và đích thân điều hành lại nhân rộng khắp nhiều vùng nông thôn để những nông dân không còn “trông trời trông đất trông mây”, trông theo sự toan tính của thương lái Trung Quốc. Ở đó, họ được cung cấp thông tin, lý giải và gợi ý giải pháp cũng như hỗ trợ vốn xoay vòng… Người nông dân không còn trơ trọi và ngơ ngác ngay trên mảnh đất của chính mình.
Liên tiếp các năm 2010, 2015, 2017 và bây giờ, giá 1kg dưa hấu bán ra không mua nổi một gói tăm xỉa răng. Cũng những năm đó, khúc hát... giải cứu từ các nhóm thiện nguyện và đoàn thanh niên đã vang lên trên những cánh đồng dưa. Điệp khúc đó, dẫu là thiện ý của cộng đồng, lại như sự chống chọi thê thảm và bất lực của bài toán nông nghiệp bấp bênh, chưa bao giờ thoát khỏi tâm lý thấy được giá là đua nhau trồng, để đến mùa sau khóc ròng với đòn ép giá của thương lái Trung Quốc.
Dưa hấu đến mùa thu hoạch nhưng giá thu mua rẻ kỷ lục
Méo mặt vì dưa
Trong cái nắng hầm hập của tháng Năm, anh Ngô Đức Thắng (ngụ khối phố Tân Cẩm, thị trấn Phú Thịnh, H.Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) không buồn quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, lặng nhìn đống dưa hấu ngổn ngang chờ xếp lên xe tải. Hai tháng trời ròng rã đổ mồ hôi xuống ruộng dưa, giờ lại phải tất tả tìm đường đưa đi tiêu thụ, khi thương lái ép giá xuống sát sàn, rồi lại ỡm ờ không mua.
Anh Đặng Văn Hải (thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, H.Phú Ninh) buộc phải bán tám tấn dưa cũng chỉ với giá: 1.200 đồng/kg - mức thấp kỷ lục hiện tại - mức giá chắc chắn khiến nông dân lỗ nát mặt.
Anh Hải nói, giọng thảng thốt, tiếc rẻ: “Không ngờ cách đây chưa đầy 10 ngày, giá dưa hấu tại ruộng là 6.500 đồng/kg. Khi nó xuống 4.000 đồng/kg, bà con còn chần chừ, trông giá lên lại, ai ngờ... Thương lái ép giá, vì Trung Quốc tạm dừng thu mua. So với giá cũ, tôi mất mấy chục triệu đồng”.
“Cùng đường rồi. Tôi phải thuê xe chở dưa đi Bắc Trà My để bán, không biết có vớt vốn được không. Chiều qua, trời đổ mưa giông lớn, không chở đi thì dưa để trên ruộng sẽ thối ruột ngay. Đành phải tự đi bán, gom từng đồng, vớt vát vốn liếng đã đổ xuống ruộng dưa” - anh Thắng rầu rĩ nói.
Hàng trăm nông dân Quảng Nam cũng đang lau nước mắt trên cánh đồng dưa như anh Thắng. Nhiều hộ nông dân còn thê thảm hơn khi thương lái không thèm ngó đến ruộng dưa đã tới kỳ thu hoạch của họ. Gia đình chị Đặng Thị Hiền (thôn Kỳ Phú) có bốn sào dưa đã chín rộ, đang phải phơi nắng phơi mưa ngoài đồng, do không có người mua.
“Dưa quá rẻ đã đành, họ còn không tới mua, để thêm vài ngày nữa thì dưa hư, coi như trắng tay. Không kể công chăm bón, bao nhiêu vốn liếng mua giống, phân bón không thu hồi được” - chị nói, không giấu được nỗi sầu chất chồng trên gương mặt.
Ở xã Tam Đàn (H.Phú Ninh), hàng chục ruộng dưa còn phải chịu cảnh vừa mất mùa vừa mất giá. Ông Hà Văn Phú (thôn An Mỹ 1, xã Tam Đàn) cho biết, do sương muối, nhiều ruộng dưa ở Tam Đàn chết rụi. Vụ này, gia đình ông trồng năm sào nhưng chỉ thu được bốn tấn, lỗ khoảng 15 triệu đồng.
Lệ thuộc Trung Quốc và... chết
Trước khốn khó của người trồng dưa, chuông “giải cứu” lại gióng lên trên mạng xã hội. Chị Cao Thị Kiều Oanh (TP.HCM) cùng nhiều người khác đã viết lời kêu gọi trên Facebook, nhờ cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ bà con H.Phú Ninh bằng cách mua dưa ủng hộ. Nhờ đó, 3.000 tấn dưa đã vơi được ít nhiều.
Những bãi dưa hấu đang nằm ngổn ngang, chủ nhân cũng chẳng buồn ngó. Nhiều nơi, nông dân bỏ cho dưa thối, không thèm thu hoạch. Trắng tay. Nhà nước đứng ngoài, viện dẫn những con số chứng minh, rằng nông dân “xé rào”, ham lợi từ năm trước nên năm nay đành... chết.
Một nhóm thiện nguyện do anh Hoàng Nhật Nguyên - Giám đốc điều hành hệ thống cửa hàng FM STYLE - lãnh đạo đã hỗ trợ kinh phí vận chuyển, thu mua tại ruộng với giá 4.000 đồng/kg, quảng bá và giao hàng tận nơi. Đến ngày 7/5, nhóm đã bán được hơn 200 tấn dưa hấu từ xã Phước Lộc.
Một nhóm thiện nguyện khác cũng giúp bà con xã Tam Thành bán được tám tấn dưa hấu với giá 4.000 đồng/kg. “Không chỉ ở Phú Ninh, một số xã như Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), Tam Xuân (H.Núi Thành) cũng có dưa hấu đang nhờ chúng tôi giải cứu” - chị Nguyễn Thị Như Ngọc, thành viên nhóm thiện nguyện “Bánh mì yêu thương”, ở TP.Tam Kỳ nói.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn H.Phú Ninh cho biết, hiện toàn huyện có hơn 490ha đất trồng dưa hấu, với xấp xỉ 12.750 tấn dưa, hiện đã thu hoạch được 2/3 diện tích. Do thời tiết không thuận lợi, người dân trồng dưa muộn, lại trùng với mùa thu hoạch của dưa hấu Trung Quốc nên thương lái dừng thu mua để xuất sang thị trường này. Theo ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn H.Phú Ninh - hiện còn khoảng 150ha dưa chưa thu hoạch, tương đương 3.000 tấn dưa đang nằm trên đồng.
“Điều đáng nói, theo quy hoạch, toàn H.Phú Ninh chỉ có 400ha đất trồng dưa hấu, nhưng vì những vụ dưa trước được mùa được giá, người dân đua nhau trồng dưa, dẫn đến bi kịch như hiện nay” - ông Anh nói.
Dưa hấu như heo, như bất kỳ cây hay con nào khác, khi tất cả đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc với những “nóng, lạnh” khó lường, thì tỷ số cá cược thắng - thua, hầu như nông dân Việt chưa bao giờ là kèo trên.
Phát hiện tín hiệu giao thông “bất thường” đỏ, CSGT kiểm tra điều chỉnh đèn tín hiệu trở lại hoạt động tự động, và truy xét tìm được thanh niên điều chỉnh.