Hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái sẽ tử vong khi tỉ phú Elon Musk đóng cửa USAid

05/02/2025 - 16:58

PNO - Tác động từ tuyên bố của tỉ phú Elon Musk - hiện đang nắm giữ chức vụ "Nhân viên chính phủ đặc biệt" trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump - rất nhanh chóng và tàn khốc, khi thực phẩm và các loại thuốc thiết yếu bị bỏ lại trong kho, các chương trình quan trọng bị đóng cửa và nhân sự bị sa thải.

Những người biểu tình tại trụ sở USAid vào ngày 3 tháng 2 năm 2025 tại Washington DC sau quyết định đóng cửa cơ quan này của Donald Trump. Ảnh: Kayla Bartkowski/Getty Images
Những người tập trung tại trụ sở USAid vào ngày 3/2/2025 tại Washington DC sau quyết định đóng cửa cơ quan này của Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Kayla Bartkowski/Getty Images

Ngay sau khi Elon Musk quyết định đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAid) của Tổng thống Donald Trump, nguồn cung cấp thuốc cứu sinh quan trọng đã bị chặn lại và trẻ em không có thức ăn, phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng khi nhiều tác động được báo cáo trên toàn cầu.

Cảnh hỗn loạn đã được nhìn thấy ở nhiều quốc gia khi các tổ chức cứu trợ cảnh báo về nguy cơ gia tăng bệnh tật và nạn đói cùng với hậu quả thảm khốc trong các lĩnh vực như kế hoạch hóa gia đình và giáo dục trẻ em gái.

Bên cạnh đó, vô số tổ chức cứu trợ đã buộc phải đóng cửa hoặc sa thải nhân viên.

Nhiều dự đoán cho rằng, có khả năng hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái sẽ tử vong do biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở do hậu quả trực tiếp từ lệnh đóng băng viện trợ này.

Tổng thống Trump đã giao nhiệm vụ cho tỉ phú Musk - người đã cáo buộc rằng USAid là một tổ chức “tội phạm” - thu hẹp quy mô cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ về viện trợ nhân đạo.

Tác động lên lĩnh vực viện trợ toàn cầu là sâu sắc và tức thời. Viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ chiếm 4/10 USD chi cho viện trợ nhân đạo trên toàn cầu.

Một cựu quan chức cấp cao của USAid đã mô tả cuộc đàn áp của tỉ phú Musk là "sự kiện có mức độ hủy diệt" đối với lĩnh vực nhân đạo quốc tế.

Những hậu quả ban đầu bao gồm việc bỏ hoang các kho dự trữ thuốc quan trọng ở Sudan, nơi đang xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Trên khắp châu Phi, hàng trăm ngàn trẻ em phụ thuộc vào bữa ăn tại trường đã bị bỏ đói sau khi thức ăn bị thối rữa sau tuyên bố của Musk rằng ông muốn cơ quan viện trợ của Hoa Kỳ "chết đi".

Trong số các dự án đã buộc phải đóng cửa có một dự án giáo dục dành cho trẻ em gái ở Nepal, làm tăng nguy cơ gia tăng nạn tảo hôn và buôn bán người.

“Tất cả các khoản thanh toán cho các dự án này đều bị đóng băng. Có rất nhiều thông tin sai lệch. Các tổ chức phải đưa ra quyết định trong tình trạng chân không”, một viên chức nhân đạo cho biết.

Tại Bangladesh, Trung tâm nghiên cứu bệnh tiêu chảy quốc tế đã sa thải một số nhà khoa học được kính trọng nhất thế giới đang làm việc cho các chương trình về sốt rét.

Tại châu Phi, các chương trình kiểm soát bệnh sốt rét ở Uganda đã buộc phải áp dụng các biện pháp hà khắc không kém khi có báo cáo rằng hàng chục dự án quan trọng dành cho chăm sóc tuyến đầu đã bị đóng cửa.

Xa hơn về phía nam tại Malawi - nơi nhiều người phụ thuộc vào các chương trình do các nhà tài trợ để sinh tồn, nỗi lo sợ ngày càng tăng rằng việc đóng băng viện trợ có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế của đất nước.

Tại Johannesburg, các dự án trong hơn 20 năm qua dựa vào nguồn tài trợ từ chương trình ứng phó HIV/AIDS của Hoa Kỳ, được gọi là Pepfar, đã phải đóng cửa.

Dawie Nel - giám đốc một phòng khám LGBTQ+ tại Johannesburg có tên Out, cho biết tổ chức của ông, nơi chăm sóc 6.000 khách hàng, đã tạm dừng việc điều trị.

Bên kia Đại Tây Dương, những cảnh hỗn loạn tương tự cũng đang diễn ra. Cựu tổng thống Colombia và là người đoạt giải Nobel hòa bình - Juan Manuel Santos - nói: "Tôi đã thấy lợi ích to lớn mà các chương trình do USAid tài trợ này mang lại cho người dân trên khắp đất nước. Việc cắt giảm đột ngột sẽ gây ra hậu quả nhân đạo khủng khiếp".

Tuy nhiên, một số người cho rằng sự gián đoạn này đã phơi bày sự mong manh của các chương trình phát triển phụ thuộc vào viện trợ bên ngoài.

Cựu tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta kêu gọi các nước châu Phi coi việc đóng băng viện trợ là một "lời cảnh tỉnh" để châu lục này ưu tiên phát triển chính mình.

“Sẽ không có ai tiếp tục chìa tay giúp đỡ bạn. Đã đến lúc chúng ta phải sử dụng nguồn lực của mình cho những việc đúng đắn”, ông nói.

Tuy nhiên, hầu hết đều khẳng định rằng ý định đóng cửa USAid của Trump và Musk - người đứng đầu một cơ quan cắt giảm chi phí không chính thức - là một thảm họa.

Một nhân viên cứu trợ cho biết: “Chúng tôi đã phải đóng cửa các dịch vụ cứu sinh dành cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính, cũng như các trang thiết bi để xét nghiệm và điều trị cho các cơ sở y tế, cơ sở dinh dưỡng và cơ sở rửa tay”.

Jeremy Konyndyk, chủ tịch của Refugees International và là cựu quan chức tại USAid, mô tả mong muốn đóng cửa cơ quan này của Musk là mối đe dọa hiện hữu đối với lĩnh vực nhân đạo.

“Nếu tình hình này tiếp diễn, đây thực sự là sự kiện có thể dẫn đến tuyệt chủng đối với ngành viện trợ toàn cầu”.

Nghiên cứu từ Viện Guttmacher đã nhấn mạnh những cảnh báo như vậy, tiết lộ rằng 11,7 triệu phụ nữ và trẻ em gái sẽ bị từ chối tiếp cận dịch vụ tránh thai - điều mà họ dự đoán có nghĩa là 8.340 phụ nữ và trẻ em gái sẽ tử vong do các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở.

Ở nơi khác, mối lo ngại về số phận của lĩnh vực nhân đạo đã được nêu rõ trong một cuộc khảo sát đối với 342 tổ chức phát triển quốc tế, kết luận rằng nếu không có nguồn tài trợ của Hoa Kỳ, hơn một nửa trong số đó có khả năng phải đóng cửa trước tháng Năm.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI