Hàng ngàn người ra giữa sông Trà xem lễ hội đua thuyền tứ linh

26/01/2023 - 22:00

PNO - Hàng ngàn người trên bến dưới thuyền xem lễ hội đua thuyền có truyền thống lâu đời diễn ra trên sông Trà Khúc.

Ra sông xem đua thuyền

Mùng 5 tết Quý Mão 2023, hàng ngàn người khắp Quảng Ngãi đã kéo nhau đến sông Trà Khúc (đoạn qua xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) để xem hội đua thuyền tứ linh truyền thống.

Lễ hội đua ghe đặc sắc trên sông Trà Khúc

Cứ 2 năm 1 lần, người dân xã Tịnh Long lại tổ chức lễ hội đua thuyền vào ngày 5 và 6 tháng Giêng âm lịch với sự tham gia của bốn đội đại diện cho 4 thôn: An Lộc, An Đạo, Gia Hòa, Tăng Long. Mỗi thuyền được vẽ trang trí bằng hình các con vật trong tứ linh (long, lân, quy, phụng). Thuyền đua dài khoảng 11m và có thể chứa được 14-16 người.

Hàng ngàn người dân đón xem lễ hội đua thuyền
Hàng ngàn người dân đón xem lễ hội đua thuyền - Ảnh: Thanh Vạn

 

Em bé 10 tháng tuổi cũng được đưa lên thuyền đi xem đua thuyền
Em bé 10 tháng tuổi cũng được đưa lên thuyền đi xem đua thuyền - Ảnh: Thanh Vạn

Lễ hội đua thuyền là dịp để người dân vui chơi sau một năm lao động vất vả và còn chứa đựng yếu tố văn hóa, tinh thần gắn kết cộng đồng. Theo chân người dân thôn Gia Hòa (xã Tịnh Long) ra giữa dòng sông Trà Khúc, tiếng reo hò làm rộn rã cả một khúc sông.

Gần trăm chiếc ghe chở theo người dân, du khách ra đến khu vực bốn đội đua chuẩn bị xuất phát. Chị Nguyễn Thị Quý (26 tuổi) điệu theo con trai 10 tháng tuổi lên thuyền đi xem lễ hội để bản thân và các con có những giây phút thư giãn, vui vẻ trong những ngày đầu năm. Hơn nữa, chồng chị cũng là một tay đua của thôn Gia Hòa nên chị đi cổ vũ cho chồng.

Những chiếc thuyền được vẽ hình linh vật, các tay đua chít khăn để đua
Những chiếc thuyền được vẽ hình linh vật
Cuộc đua diễn ra quyết liệt trong tiếng reo hò của người dân
Cuộc đua diễn ra quyết liệt trong tiếng reo hò của người dân - Ảnh: Thanh Vạn

Ông Nguyễn Trọng Trí (70 tuổi) theo dõi sát cuộc đua chia sẻ kinh nghiệm, nhìn vào con thuyền dẫn đầu sẽ thấy đội đua chèo rất nhịp nhàng, thuyền không rung lắc, mái chèo không bắn nước vào thuyền làm tăng độ nặng. Hai người quan trọng của thuyền đua là người mũi và người lái. Người lái giỏi sẽ giúp con thuyền cua nhanh, êm và đội đua sẽ lướt đi. Đội thôn An Đạo dẫn đầu đã thể hiện được điều đó.

Theo quy định, mỗi đội phải đua trong 2 ngày gồm 4 hiệp, mỗi hiệp 6 vòng. Trong mỗi hiệp đua, thuyền về nhất sẽ được tính 10 điểm, thuyền về nhì 8 điểm, thuyền về ba 6 điểm và thuyền về cuối được 4 điểm.

Sau 2 ngày đua, điểm của 4 hiệp đua sẽ được cộng lại để xếp hạng chung cuộc. Ngày đua đầu tiên, thôn An Đạo đang tạm đứng đầu, thứ 2 là thôn An Lộc, kế đến là đội đua thôn Gia Hòa và cuối cùng là thôn Tăng Long.  

Toàn cảnh lễ hội đua thuyền truyền thống
Toàn cảnh lễ hội đua thuyền truyền thống. Thuyền của người dân xem đua thuyền ở vòng ngoài.

Giữ lễ hội trong lòng cộng đồng

Ông Phan Liệu (90 tuổi) cũng lên ghe ra giữa sông để xem đua thuyền cho biết, lễ hội đua thuyền tứ linh có từ rất lâu, khi ông còn thanh niên đã có. Nghe ông bà kể lại, ngày xưa, tết đến, có mấy bà đi coi hát bội mà không coi được nên tổ chức ra lễ hội đua thuyền trên khúc sông Trà này. Theo quan niệm của người dân, nếu thuyền đua của thôn nào về đích đầu tiên thì người dân thôn ấy sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. 

Đua thuyền là cách người dân thể hiện khát vọng sống - ảnh Thanh Vạn
Đua thuyền là một cách người dân giữ gìn văn hoá - Ảnh: Thanh Vạn

Lễ hội đua thuyền tứ linh trên sông Trà Khúc là nét đẹp văn hóa được người dân trân trọng, gìn giữ. Thông qua hội đua thuyền, người dân gửi gắm lòng biết ơn, tri ân bậc tiền hiền có công khai hoang, lập ấp cùng những nguyện cầu, mong ước cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh, khu vực xã Tịnh Long được gọi là vùng nông, chài. Đua thuyền là cách để thanh niên trai tráng rèn luyện sức khỏe, thích ứng với sông nước. Qua đó, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, khát vọng ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội đua thuyền tự nó sống trong lòng cộng đồng - ảnh Thanh Vạn
Lễ hội đua thuyền thu hút đông đảo người dân tham gia - Ảnh: Thanh Vạn

Theo ông Khánh, lễ hội này diễn ra nhiều đời, nhiều thế hệ, lâu nhất ở Quảng Ngãi chỉ có ở xã Tịnh Long và Lý Sơn. Vì lý do này mà lễ hội đua thuyền thu hút rất đông người dân. Người dân đua thuyền không phải tranh giải thưởng mà để thể hiện năng lực của các tay đua, nếu chiến thắng người dân tin trong năm nay sẽ gặp nhiều may mắn.

Cùng với lễ hội đua thuyền ở huyện đảo Lý Sơn, đua thuyền tứ linh ở cửa sông Trà là một trong những lễ hội lâu đời sống trong lòng cộng đồng nơi đây. 

Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI