PNO - Hàng ngàn người vây kín ao làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) trống dong cờ mở để cổ vũ cho thanh niên trai tráng trong làng vây bắt đàn vịt 50 con.
Hàng năm cứ đến ngày 12-13/8 âm lịch, người dân lại nô nức kéo về làng Triều Khúc để tham dự lễ hội đặc biệt nhân dịp hóa Thánh của Đức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. |
Năm nay, phần lễ được tổ chức đúng ngày 13/8 âm lịch, tức ngày 8/9 dương lịch. Trước khi diễn ra phần lễ, vào ngày 7/9, tức ngày 12/8 âm lịch phần hội đã được tổ chức tại ao chùa Triều Khúc, với trò chơi "ném bưởi, bắt vịt" trở thành điểm nhấn, thu hút người xem. |
Ghi nhận của phóng viên, ngày 7/9, hàng ngàn người đã nô nức kéo về làng Triều Khúc để tham dự lễ hội đặc biệt nhân dịp hóa Thánh của Đức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (13/8 âm lịch). |
Được tổ chức ngay chính giữa ao làng, trò chơi ném bưởi và thi bơi bắt vịt, thu hút rất đông người tham gia, đặc biệt là các nam thanh niên bơi giỏi. |
Theo thể lệ, ban tổ chức thả khoảng 50 con vịt xuống hồ để người bơi đuổi theo để bắt. Trên bờ, người dân thi nhau ném hàng trăm quả bưởi xuống ao để đuổi cho vịt bơi tứ tán, "làm khó" những người đang bơi để bắt vịt dưới hồ. |
Lễ hội hút hàng ngàn người dân đến xem và tham gia. |
Ai cũng hồi hộp khi chứng kiến những màn rượt bắt vịt dưới nước. |
Những thanh niên to khỏe vừa bơi vừa đuổi theo những chú vịt. |
Tiếng kêu quàng quạc, tiếng vỗ cánh nháo nhác của đàn vịt càng như khiêu khích các đội tham gia. |
Nhóm thanh niên này đã dùng nhiều chiêu để đuổi và bắt vịt, nhưng cũng rất khó khăn mới có thể tóm được chú vịt. |
Sau khoảng gần 30 phút quần nhau dưới nước, toàn bộ chú vịt đã bị tóm gọn. Người thắng thua đã được phân định nhưng niềm vui lớn nhất của những người tham gia cuộc thi có một không hai này chính là đã tạo ra một không gian lễ hội truyền thống hiếm có ở một làng quê ven đô như Triều Khúc. |
Theo quan niệm của người dân nơi đây, hội thi bắt vịt với ý nghĩa cầu cho thủy lợi tốt lành, mùa màng tươi tốt, con cháu trong nhà khỏe mạnh, giỏi giang |
Mỗi năm, làng Triều Khúc có tới 14 lễ liên quan đến thờ cúng Đức Thánh Phùng Hưng. Trong đó, có ba ngày quan trọng nhất là: Ngày mồng 10 tháng Giêng là ngày Ngài lên ngôi vua; ngày 25/11 là ngày sinh của Ngài và ngày 13/8 là ngày hóa Thánh của Ngài. Theo tích xưa, Phùng Hưng thắng giặc, lên ngôi vua, xưng là Bố Cái Đại Vương. Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ và suy tôn làm Thành Hoàng. Cứ ba năm một lần, làng mới tổ chức lễ chính rước sắc Thành Hoàng. Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn thánh thần đã mang lại cuộc sống no ấm, an bình cho dân làng. Sau lễ rước sắc là lễ nhập tịch, cuối cùng là lễ tế giã rước Thánh hoàn cung…. |
Ngọc Linh
Chia sẻ bài viết: |