Hàng ngàn học sinh ở TPHCM đậu lớp Mười nhưng không nhập học

23/07/2023 - 13:13

PNO - Tỉ lệ học sinh nhập học sau trúng tuyển lớp Mười tại nhiều trường THPT TPHCM chỉ đạt từ 50-60% chỉ tiêu tuyển sinh. Hàng ngàn học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Thấp thỏm ngóng từng học sinh 

Sau gần nửa tháng nhận hồ sơ nhập học lớp Mười năm học 2023-2024, đến nay Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (TP Thủ Đức) mới chỉ nhận được khoảng 600 hồ sơ/865 học sinh trúng tuyển (chiếm hơn 60%). Dù chưa “đóng” thời gian nhận hồ sơ song cô Nguyễn Hoàng Diễm Ly - Hiệu trưởng nhà trường thông tin, con số này gần như “chốt” danh sách lớp Mười của trường năm học tới, bởi chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu. 

Ở nhiều trường THPT, tỷ lệ học sinh nhập học sau trúng tuyển lớp 10 rất thấp
Ở một số trường THPT, tỉ lệ học sinh nhập học sau trúng tuyển lớp Mười rất thấp (hình minh hoạ)

“Trong danh sách 865 học sinh trúng tuyển lớp Mười vào trường năm nay có tới hơn 200 em nhà ở cách trường trên 10km, 15km. Có những em ở tít Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12 cũng đăng ký nguyện vọng về trường. Nhiều phụ huynh học sinh khi đến trường làm thủ tục nhập học, than xa xôi quá, lại ra về, không nhập học nữa. Trường phải điện thoại cho từng phụ huynh, mời gọi, thuyết phục đến trường nhập học, ngày nào cũng thấp thỏm ngóng học sinh đến nhập học…”- cô Diễm Ly cho hay.

Theo hiệu trưởng này, thực trạng phụ huynh chỉ chăm chăm đăng ký cho con đậu trường THPT công lập mà chưa chú trọng đến khoảng cách từ nhà đến trường đã dẫn đến những bất cập trong tuyển sinh của trường hàng năm. Không tuyển đủ chỉ tiêu là một chuyện, sau một học kỳ hoặc một năm học, nhiều em lại xin chuyển trường đi vì lý do xa xôi...

Vì không muốn có sự xáo trộn, để học sinh an tâm học tập, năm nay ngay trong đơn nhập học lớp Mười vào trường, Trường THPT Nguyễn Văn Tăng đã phải “lồng” thêm câu: Học 3 năm không được chuyển trường, khi nào dời đi mới được chuyển. “Không phải trường làm khó học sinh, phụ huynh. Nhưng vì đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đã chuẩn bị sẵn trong một năm mà hàng trăm học sinh trúng tuyển, nhập học rồi lại chuyển trường, khiến việc dạy và học của trường rất biến động”- cô Nguyễn Hoàng Diễm Ly lý giải. 

Theo thống kê, số học sinh đến làm thủ tục nộp hồ sơ nhập học lớp Mười năm học 2023-2024 tại Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) hiện chỉ đạt trên 50% trong tổng số học sinh trúng tuyển vào trường. 

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường thông tin, năm nào cũng vậy, số học sinh nhập học vào trường chỉ khoảng 50%, cao lắm mới được 65%. Năm nay, tổng chỉ tiêu lớp Mười của trường là 17 lớp, hiện số học sinh nộp hồ sơ nhập học mới khoảng 10 lớp. “Đa số học sinh trúng tuyển vào trường là nguyện vọng 3, lên đến 50% tổng số em trúng tuyển vào trường, phần nhiều trong đó lại ở rất xa. Năm nay, số học sinh ở xa lên đến 200 em, có khi ở quận 12, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú…, do vậy nhiều em lựa chọn học tư thục, học GDTX chứ không nhập học”- cô Tâm nói.

Biến động học sinh, khó xây dựng chiến lược dài lâu

Tại TPHCM, nhiều năm nay các trường THPT ở vùng ven luôn trong tình trạng “khát” học sinh khi tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp Mười nhưng không nhập học cao. Có thể kể thêm như THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh), THPT Năng khiếu Thể dục thể thao huyện Bình Chánh, THPT Long Trường (TP Thủ Đức)… 

Thực tế tuyển không đủ chỉ tiêu, với 40%-50% học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, hoặc học xong lại ồ ạt xin chuyển trường đã đặt ra nhiều bài toán khó trong xây dựng kế hoạch, mục tiêu, chiến lược giáo dục cho nhiều trường THPT, nhất là khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

“Nhà trường chỉ dám chuẩn bị nhân lực cho khoảng 10 lớp chứ không dám xây dựng chiến lược dài hơi. Khó khăn nhất là rất khó định hình số lượng lớp để xếp lớp cho giáo viên. Toàn trường có 45 phòng học nhưng sử dụng hết công suất chỉ là 30 phòng, dôi dư tới 15 phòng. Dù có bố trí xe bus đưa đón học sinh đi học để thuận tiện cho những học sinh ở xa, thế nhưng các em chỉ học khoảng 1 năm là xin chuyển trường, xin chuyển ra ngoài công lập, giáo dục thường xuyên vì… xa xôi quá chịu không nổi, khiến việc dạy và học luôn phập phù, danh sách học sinh biến động liên tục”- Hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú bày tỏ.

Thầy Nguyễn Tấn Sĩ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8) cho biết, một bộ phận học sinh trúng tuyển vào trường nhưng không nhập học mà lựa chọn học THPT tư thục và các hướng khác đã khiến trường bị động trong khâu chuẩn bị, tác động phần nào đến kế hoạch giảng dạy của trường.

Biên động học sinh khiến các trường khó xây dựng chiến lược dài hơi
Biến động học sinh khiến các trường khó xây dựng chiến lược dài hơi

Cùng cảnh ngộ “thấp thỏm chờ học sinh”, hiệu trưởng một trường THTP ở TP Thủ Đức bức xúc, nghịch lý là kỳ thi tuyển sinh lớp Mười được phụ huynh học sinh xem là căng thẳng, áp lực, khó khăn mới giành được 1 suất vào công lập, thế nhưng rất nhiều học sinh trúng tuyển lại bỏ không học, chọn các hướng học khác. Chính những học sinh trúng tuyển song không nhập học đã làm mất cơ hội học tập của nhiều học sinh khác trong số gần 20.000 em rớt tuyển sinh trong năm nay.

“Thực tế diễn ra nhiều năm khiến trường bị động rất nhiều. Kế hoạch tuyển dụng giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất luôn được chuẩn bị từ khi xây dựng chỉ tiêu lớp Mười, nên tuyển sinh không đủ dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, vật lực. Chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu các trường THPT phải xây dựng chiến lược dài hơi từ 5-10 năm để lên kế hoạch tuyển dụng đủ nguồn giáo viên, đáp ứng môn học lựa chọn của học sinh. Nhưng bất cập trong công tác tuyển sinh khiến trường rất khó để định hình kế hoạch này…”- vị này thẳng thắn. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI